|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Sốt' đất nông nghiệp

11:47 | 06/08/2019
Chia sẻ
Hơn 3 năm nay, giá bán đất nông nghiệp ở các huyện, TP.Long Khánh tăng cao gấp 3-8 lần. Hiện tại, lượng người mua không còn nhiều như dịp đầu năm nhưng đã thiết lập một mặt bằng giá mới.

Hơn 3 năm nay, giá bán đất nông nghiệp ở các huyện, TP.Long Khánh tăng cao gấp 3-8 lần. Hiện tại, lượng người mua không còn nhiều như dịp đầu năm nhưng đã thiết lập một mặt bằng giá mới.

'Sốt' đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp khu vực xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) được đẩy tăng cao ngất ngưởng

Qua khảo sát của phóng viên cho thấy, những khu vực có giá đất nông nghiệp tăng cao nằm ở các địa phương như: Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Thống Nhất... Nhiều người dân từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương sang tìm mua để đầu cơ.

Giá cao ngất ngưởng

Cách đây khoảng 3 năm, khu vực các xã Bảo Quang, Bình Lộc, Hàng Gòn (TP.Long Khánh) giá đất nông nghiệp được người dân chuyển nhượng chỉ từ 1-2 tỷ đồng/hécta, tùy vào vị trí gần đường lớn. Nhưng hiện nay giá đã lên đến 8-12 tỷ đồng/hécta. Đặc biệt tại những xã mới lên phường của TP.Long Khánh, giá đất nông nghiệp tăng rất cao. Tại huyện Xuân Lộc và những khu vực giáp TP.Long Khánh, giá đất nông nghiệp cũng lên cơn “sốt”.

Bà Trần Thị Bình, người dân xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) nói: “Đất rẫy của gia đình tôi nằm sâu bên trong mà cũng có người hỏi mua với giá hơn 5 tỷ đồng/hécta, cao gấp 6 lần so với dịp đầu năm 2016. Thấy giá đất tăng nhanh quá, gia đình tôi cũng không dám bán ra, vì bán rồi khó mua lại”. Ở những khu vực gần đường lớn, giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, lâu năm đều đã hình thành một mức giá mới, cao gấp nhiều lần so với giá cũ.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay: “Giá đất nông nghiệp ở những khu vực gần TP.Long Khánh được người dân mua, bán tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, trước đây ở khu vực xã Suối Cát, đất nông nghiệp khoảng 1-1,2 tỷ đồng/hécta, song hiện lên đến 3,8-4 tỷ đồng/hécta”.

Đất nông nghiệp bị đẩy giá lên cao khiến chính quyền địa phương lo lắng do khi mời gọi đầu tư các dự án sẽ gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong nhiều trường hợp, vì giá đất quá cao nên doanh nghiệp sẽ rút lui, dự án không triển khai được, gây ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Thực tế trên đang xảy ra ở nhiều địa phương như: Long Thành, Nhơn Trạch..., việc thu hồi đất cho các dự án rất khó khăn vì người dân không chịu giao đất với lý do tiền bồi thường quá thấp so với giá thị trường.

Tìm hiểu tại nhiều nơi cho thấy, lượng người mua đất nông nghiệp không nhiều đến mức rầm rộ như mua đất nền các dự án, nhưng hiện đã hình thành mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu sẽ giảm trở lại. 

Đơn cử như, đất khu vực xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) khá chai cằn, nhiều người dân phải trồng điều vì không có cây trồng nào thích hợp, hơn 3 năm trước giá bán trên 200 triệu đồng/hécta cũng khó tìm người mua, song hiện nay đã lên 600-700 triệu đồng/hécta.

“Ăn theo” các dự án lớn

Nằm ở vị trí giáp huyện Long Thành nên khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khởi động, kèm theo một số đường giao thông được xây dựng, mở rộng đã khiến đất nông nghiệp ỏ huyện Cẩm Mỹ leo thang đến “chóng mặt”.

avatar_1565066601915

Đất nông nghiệp khu vực gần đường lớn của xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) tăng gấp 6 lần so với năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, người dân ở xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) cho hay: “Những năm trước, đất rẫy trồng cây lâu năm có đường ô tô vào được đến nơi chỉ khoảng 1-1,2 tỷ đồng/hécta, vậy mà giờ có người mua với giá gần 10 tỷ đồng/hécta. Tôi bán khoảng 2 sào đất (2 ngàn m2) mà được 2 tỷ đồng cũng ngỡ ngàng, không nghĩ trong thời gian ngắn giá đất lại tăng cao như vậy”. 

Tại các huyện vùng xa như Tân Phú, Định Quán, không có những dự án trọng điểm của tỉnh nhưng giá đất nông nghiệp cũng bị “thổi” lên cao gấp 2-3 lần so với trước đây.

Theo một số lão nông ở các huyện thì giá đất nông nghiệp tăng cao như thế là do có nhiều người mua để đầu cơ. Bởi nông dân muốn mua đất làm nông nghiệp thì rất ít người đủ khả năng có số tiền lớn để mua.

Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết: “Những khu đất nông nghiệp có đường lớn đi qua hoặc có vị trí gần những dự án lớn sắp triển khai thì giá tăng 8-10 lần. Huyện đang lo lắng vì sắp tới đây, khi thực hiện các dự án, tiền bồi thường sẽ bị đẩy lên quá cao gây khó cho chủ đầu tư”.

Theo đánh giá của nhiều người hoạt động trong ngành bất động sản, giá đất có thể sẽ tăng theo chu kỳ, khi đến đỉnh điểm của “cơn sốt ảo”, giá sẽ duy trì trong một vài tháng và rồi giảm dần. Nhưng tại Đồng Nai, cơn “sốt” đất kéo dài gần 2 năm nay và chưa bước vào giai đoạn thoái trào.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhận xét: “Cơn sốt đất ở Đồng Nai kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Giá đất quá cao sẽ khiến doanh nghiệp muốn đầu tư mới hoặc mở rộng dự án gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Hương Giang