|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sợ tài xế Grab phớt lờ, khách không dám dùng GrabPay, mã khuyến mãi

10:28 | 16/09/2018
Chia sẻ
Một bộ phận hành khách có tâm lý e ngại dùng mã khuyến mãi và GrabPay do tâm lý tiêu cực của tài xế Grab đối với hai hình thức này.
so tai xe grab phot lo khach khong dam dung grabpay ma khuyen mai Tài xế Grab gặp họa vì khách không đội mũ bảo hiểm

Đặt một cuốc xe tại phố Nguyễn Trãi, Hà Nội và chọn hình thức thanh toán GrabPay, chị Trà - một công chức ngành thuế, cảm thấy hân hoan vì giá cước chỉ là 12 nghìn đồng, trong khi nếu thanh toán bằng tiền mặt, giá sẽ là 58 nghìn đồng.

"Nhưng tôi chờ tới 10 phút mà chẳng thấy tài xế nào nhận cuốc. Sốt ruột nên tôi bắt xe ôm truyền thống để về nhà", Trà kể.

Tương tự, anh Hợp - nhân viên truyền thông của một tập đoàn bất động sản - từng chờ tới 15 phút sau khi anh gọi xe máy Grab bằng mã khuyến mãi.

"Hai tài xế nhận rồi lại hủy chuyến. Tôi buộc phải hủy chuyến và đặt lại, không nhập mã khuyến mãi. Sau khoảng hơn một phút, một tài xế nhận", Hợp nói.

so tai xe grab phot lo khach khong dam dung grabpay ma khuyen mai
Tâm lý ngại dùng mã khuyến mãi và ví GrabPay xuất hiện ở một bộ phận hành khách Grab.

Sau sự cố tương tự như chị Trà và anh Hợp, nhiều hành khách bắt đầu có tâm lý ngại dùng dịch vụ GrabPay hoặc mã khuyến mãi do lo tài xế tỏ thái độ tiêu cực.

"Bản thân tôi từng gặp tới 3 tài xế tỏ thái độ bực dọc khi tôi dùng mã khuyến mãi lớn. Họ nhận cuốc chỉ vì trước đó họ đã chờ quá lâu mà không có chuyến nào. Trong quá trình di chuyển, họ liên tục giải thích lý do khiến họ không thích khách trả bằng GrabPay", chị Bình - một người dân ở đường Cộng Hòa, TP Hồ Chí Minh - kể.

Minh Quốc - một người dân ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh - khẳng định anh không dám chọn hình thức thanh toán GrabPay mỗi khi gọi xe Grab trong trường hợp cần đi gấp.

"Đối với mã khuyến mãi, gần tôi chỉ sử dụng khi mức giảm giá ở mức thấp như 10 hoặc 20 ngàn đồng, bởi nếu mức giảm quá lớn, khả năng không thể gọi xe sẽ tăng cao", Quốc thổ lộ.

Trên một số diễn đàn về giao thông, nhiều thành viên lập chủ đề về mã khuyến mãi và GrabPay. Họ cho rằng hành khách không nên dùng mã khuyến mãi và GrabPay khi đi quãng đường dài, việc gấp và thời tiết khắc nghiệt.

Lý do tài xế không muốn nhận cuốc

Ngoài lý do phổ biến là không thể nhận tiền ngay, phải rút tiền ở cây ATM của ngân hàng, nhiều tài xế còn không muốn nhận khách thanh toán bằng GrabPay và mã khuyến mãi vì những lý do khác.

"Phần lớn tài xế bỏ cuốc như thế nên những người nhận sẽ phải di chuyển trên 2 km để đón khách. Một lần, đang đứng ở phố Phạm Ngọc Thạch, tôi nhận một khách gọi xe ở Lê Trọng Tấn. Nhưng khi di chuyển vào đường Tôn Thất Tùng, tình trạng kẹt xe quá nghiêm trọng nên tôi chỉ có thể nhích vài chục mét trong vòng 20 phút. Vì thế tôi bảo khách hủy chuyến. Sau đó tôi phải chờ thêm hơn nửa tiếng mới thoát ra khỏi phố Tôn Thất Tùng", Huy, một tài xế Grab ở Hà Nội, kể.

so tai xe grab phot lo khach khong dam dung grabpay ma khuyen mai
Một cuốc xe có giá 118 nghìn đồng ở TP HCM, nhưng khách chỉ phải trả 18 nghìn đồng nếu thanh toán bằng GrabPay.

Một lý do khác là tài xế có cơ hội nhận thêm tiền nếu chở khách thanh toán bằng tiền mặt.

"Đa số khách trả bằng tiền mặt và không nhập mã khuyến mãi thường trả thêm tiền cho tài xế. Tôi ước tính khoảng 70% khách trả tiền mặt mà tôi từng tiếp xúc cho tôi thêm tiền. Chẳng hạn, hôm trước tôi chở một khách với giá 42 nghìn, nhưng khách đưa 50 nghìn và không lấy lại tiền thừa", anh Huấn, một tài xế Grab thường chờ khách gần bến xe Giáp Bát ở Hà Nội, tâm sự.

Lâm Tiến Vĩnh, một tài xế ở Hà Nội, nói rằng phần lớn đối tác Grab mà anh từng nói chuyện đều tỏ ra khó chịu với khách dùng GrabPay và mã khuyến mãi.

"Họ ngại ra cây ATM rút tiền, cũng không muốn chờ thêm một, hai ngày để tiền về tài khoản. Tôi sẵn sàng nhận những khách dùng mã khuyến mãi và GrabPay, nhưng có lẽ những người như tôi chỉ là thiểu số", Vĩnh lập luận.

Xem thêm