|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sợ đợt COVID-19 thứ hai, các tập đoàn bán lẻ ở Mỹ đua nhau xin phá sản

01:06 | 22/08/2020
Chia sẻ
Sau làn sóng nộp đơn xin bảo hộ phá sản của các chuỗi bán lẻ ở Mỹ vì đại dịch viêm phổi cấp COVID-19, phong trào xin phá sản vẫn tiếp tục do tâm lí lo ngại đợt bùng phát thứ hai của dịch.

Trong hai tuần đầu tháng trước, 7 nhà bán lẻ - bao gồm The Paper Store, Brooks Brothers và Lucky Brand - nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hồi tháng 5, J.Crew, Neiman Marcus, J.C. Penney cùng 4 chuỗi bán lẻ khác thực hiện hành động tương tự. Lord & Taylor và Stein Mart nộp đơn xin phá sản trong tháng 8.

Ban đầu, một số người gọi đây là "cơn bão" phá sản của ngành bán lẻ, song giờ đây nhiều nhà phân tích gọi nó là "sóng thần".

Đối với các chuỗi bán lẻ thời trang và chuỗi siêu thị bách hóa, vốn đang chịu tổn thất nặng vì COVID-19, dường như viễn cảnh chưa thể sáng sủa trong tương lai gần. Thay vào đó, nhiều nhà điều hành doanh nghiệp và giới phân tích dự đoán một đợt phá sản nữa sẽ xảy ra trong ngành bán lẻ nếu COVID-19 bùng phát lần thứ hai. Họ nhận định áp lực cạnh tranh trước mùa nghỉ lễ có thể thôi thúc nhiều nhà bán lẻ tìm tới tòa án phá sản.

Sợ đợt COVID-19 thứ hai, các tập đoàn bán lẻ ở Mỹ đua nhau xin phá sản - Ảnh 1.

Một điểm bán của chuỗi The Paper Store ở Mỹ. Ảnh: New York Post

Ít nhất 44 tập đoàn bán lẻ ở Mỹ đã nộp đơn xin phá sản trong năm 2020, theo số liệu của S&P Global Market Intelligence.

"Thách thức lớn nhất là bảo đảm rằng chúng ta ngừng kinh doanh đúng lúc", Bradley Snyder, giám đốc công ty tư vấn tài chính Tiger Capital, bình luận.

Gordon Brothers, Tiger Capital,  Great American, Hilco và nhiều công ty tư vấn tài chính khác đang chạy đua với thời gian để xử lí hàng trăm hồ sơ xin phá sản từ nhiều nhà bán lẻ.

"Tôi nghĩ rất nhiều hồ sơ xin phá sản nữa sẽ xuất hiện sau làn sóng xin phá sản thứ nhất", Michael McGrail, giám đốc vận hành của Tiger Capital, cảnh báo.

Chuỗi bán lẻ sản phẩm thể thao Modell's đã nộp đơn xin phá sản hôm 11/3, trước khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Ngay sau đó, công ty đã thanh lí hàng, song buộc phải ngừng quá trình bán vì các điểm bán phải ngừng hoạt động theo mệnh lệnh của chính quyền khi COVID-19 bùng phát ở Mỹ.

Hãng bán lẻ đồ dùng gia đình Pier 1 Imports nộp đơn xin phá sản trước khi đại dịch bùng phát rồi tìm người mua trong quá trình tái cấu trúc. Song khủng hoảng COVID-19 khiến những doanh nghiệp muốn mua Pier 1 Imports lo ngại nên hãng phải đóng toàn bộ điểm bán.

"Sự tiến hóa của ngành bán lẻ đang tăng tốc bởi đại dịch COVID-19. Một số nhà bán lẻ trụ vững vì họ có đủ tiền mặt. Những chuỗi còn lại gục ngã vì nợ nần", Perry Mandarino, trưởng bộ phận tái cấu trúc doanh nghiệp của ngân hàng đầu tư B. Riley FBR, bình luận.

Tới 6.000 cửa hàng truyền thống đang ngừng bán vô thời hạn trong năm nay, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research. Các chuỗi bán lẻ đang bán thanh lí hàng bao gồm J.C. Penney, Stein Mart, Ann Taylor, Ascena, Pier 1.

Nỗ lực thanh lí sản phẩm của các chuỗi bán lẻ tạo ra cơ hội vàng để người tiêu dùng săn hàng rẻ, đồng thời khiến cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ đang "bán tống bán tháo" những mặt hàng cuối cùng trở nên khốc liệt hơn. Biển báo giảm giá sâu xuất hiện khắp nơi, khiến mùa mua sắm trong kì nghỉ lễ trở nên sôi động.

Jill Timm, giám đốc tài chính của tập đoàn bán lẻ Kohl's, nói với các nhà phân tích rằng bà dự đoán vô số chiến dịch khuyến mãi sẽ diễn ra trong 6 tháng cuối năm. 

"Áp lực bán tháo hàng hóa sẽ tiếp tục do nhu cầu thanh lí sản phẩm để thu hồi tiền mặt, cũng như nỗ lực tăng thị phần trong mùa giảm giá sớm năm nay vì dịch COVID-19", bà lập luận.

Nhạc Phong