Siêu đô thị (Megacity) là gì? Tầm quan trọng của siêu đô thị
Hình minh họa (Nguồn: Unplash).
Siêu đô thị (Megacity)
Siêu đô thị - danh từ. Trong tiếng Anh được dịch là Megacity.
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, một thành phố được xem là siêu đô thị khi có dân số từ 10 triệu người trở lên.
Hiện nay trên thế giới, có 37 thành phố được xem là siêu đô thị. Những thành phố này bao gồm Tokyo, New York, Paris, Berlin, Bangkok và rất nhiều thành phố khác. Năm 2017, Liên hợp quốc đã thống kê rằng Tokyo và Thượng Hải là hai thành phố có dân số đông nhất thế giới, với con số lần lượt là 38,8 và 35,5 triệu người.
Theo ước tính, đến năm 2030, trên thế giới con số siêu đô thị sẽ tăng lên thành 41.
Siêu đô thị và những thách thức
Do dân số cao, dẫn đến việc các siêu đô thị phải đối mặt với nhiều thách thức.
Những thách thức này xoay quanh sự gia tăng của các khu ổ chuột; tội phạm; tài nguyên – năng lượng; những người vô gia cư, và tắc nghẽn giao thông do qui hoạch đô thị không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Gia tăng dân số là một trong những lý do chính mang đến những thách thức. Đó là nguyên nhân sinh ra những khu ổ chuột, những khu định cư kém vệ sinh, ô nhiễm. Những cá nhân sống trong các khu ổ chuột không được tiếp cận đầy đủ về giáo dục hoặc y tế, dẫn đến dân trí thấp kém, bệnh tật hoành hành.
Việc không đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm hay nước là một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng tỉ lệ tội phạm gia tăng, tệ nạn xã hội hoành hành.
Một thách thức nữa mà các siêu đô thị phải đối mặt là việc quản lý các nguồn năng lượng, tài nguyên. Tình trạng vô gia cư xảy ra thường xuyên ở các thành phố lớn. Qui hoạch đô thị yếu kém dẫn đến ách tắc giao thông; kinh tế chậm phát triển. (Theo Worldatlas)
Tầm quan trọng của các siêu đô thị hiện nay
Đô thị hóa là một quá trình thay đổi cảnh quan của toàn cầu. Các khía cạnh kinh tế xã hội như công ăn việc làm, lối sống văn minh, hiện đại càng ngày càng thu hút đông người dân hơn đến với các khu vực đô thị.
Theo dự đoán, đến năm 2030, thế giới sẽ có 41 siêu đô thị. Phần lớn sẽ nằm ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, bên cạnh đó là các siêu đô thị ở những khu vực đang phát triển khác gồm châu Phi và Nam Mỹ.
Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp phát triển và mở rộng cơ hội làm ăn. Các chính phủ cũng sẽ dựa trên cơ sở này để qui hoạch, quản lý đô thị, hoạch định các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội còn nhiều bất cập như tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Điều thú vị về các siêu đô thị là không có hai cái giống nhau. Mỗi nơi sẽ có đặc điểm riêng, đòi hỏi những chiến lược riêng để xây dựng và phát triển. Các siêu đô thị cũng có thể sẽ có hướng phát triển khác, không giống như bức tranh toàn cảnh của quốc gia.
Số lượng siêu đô thị gia tăng chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Sự phát triển về hạ tầng cũng kéo theo nhiều nhu cầu tăng lên như vận tải, nguồn tài nguyên gia tăng, bên cạnh đó là sự ô nhiễm môi trường, nguồn nước… cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho con người. (Theo Globaldata)