Qui hoạch đô thị (Urban Planning) là gì? Lịch sử phát triển của qui hoạch đô thị
Hình minh họa (Nguồn: Unplash).
Qui hoạch đô thị (Urban Planning)
Qui hoạch đô thị là một dạng động từ. Trong tiếng Anh, qui hoạch đô thị có thể gọi là urban planning, city planning hoặc urban schemes.
Theo Luật Qui hoạch đô thị năm 2009, Đô thị được hiểu là là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương.
"Qui hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án qui hoạch đô thị."
Vai trò của Qui hoạch đô thị
Vậy qui hoạch đô thị có quan trọng hay không? Câu trả lời là rất quan trọng. Đô thị không chỉ là tập hợp của những ngôi nhà và những con đường. Quan trọng hơn, đô thị là nơi tập hợp của những con người tương tác với nhau trong một môi trường đông đúc và chật hẹp.
Qui hoạch tốt giúp tạo ra những cộng đồng tốt, trong đó mọi người có nhiều lựa chọn về cách và nơi mà họ muốn sống. Các cá nhân trong mỗi cộng đồng có thể tham gia vào việc định hướng phát triển cộng đồng của mình, qua đó tìm được sự cân bằng giữa phát triển đô thị với việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, bảo vệ môi trường và những biến đổi trong khoa học và công nghệ. (Theo American Planning Association, www.planning.org)
Tựu chung lại, để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và rất nhiều lĩnh vực khác, qui hoạch đô thị là một việc làm hết sức cần chú trọng và phát triển. Qui hoạch đô thị tốt, cũng đồng nghĩa với việc sẽ phát triển toàn diện về mọi mặt của đô thị.
Lịch sử phát triển của Qui hoạch đô thị
Qui hoạch đô thị có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên thế giới.
Từ hoạt động khai quật những nền văn minh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Địa Trung Hải, Nam và Trung Mỹ. Người ta đã tìm ra được những bằng chứng về những nỗ lực nhằm hướng đến việc qui hoạch và phát triển đô thị. Từ hệ thống giao thông, việc phân chia thành phố thành các khu đặc thù, hay cả việc phát triển các vị trí trung tâm như cung điện, đền thờ.
Ở một số nền văn minh có thời gian tồn tại và phát triển ngắn hơn do các yếu tố lịch sử, các tòa nhà dân sự, hệ thống công sự hay hệ thống cấp thoát nước cũng đạt đến qui mô đáng kể.
Ngược lại ở một số nước châu Âu, sự áp đặt của chế độ phong kiến đã kìm hãm việc phát triển đô thị. Khi dân số tăng nhanh khiến cho cơ sở hạ tầng bị quá tải. Những công trình đô thị không thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về vệ sinh, ánh sáng, không khí,… Đó là lí do những nền văn minh ở châu Âu chậm phát triển hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Ngay từ xa xưa, con người đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động qui hoạch, đặc biệt là qui hoạch đô thị. Ngày nay, đây vẫn là một hoạt động cực kì quan trọng, là tiền đề, cơ sở cho sự phát triển toàn diện của cả một cộng đồng, một quốc gia. (Theo Fainstein, Susan S. Urban planning, Encyclopædia Britannica)