'Shark' Trần Anh Vương: 'Thành công là phép cộng của thất bại và hành động'
Mới qua UPCoM, cổ phiếu TH1 của 'Shark Vương' vào diện hạn chế giao dịch | |
Trần Anh Vương: 'Cá mập săn mồi thành công nhất' trong Shark Tank Việt Nam |
Hôm 28/7, "cá mập" Trần Anh Vương đã trải lòng về những vấp váp trong kinh doanh cùng lời khuyên dành cho những bạn trẻ khởi nghiệp trong talk show "Nỗi đau triệu đô".
Hiện nay ông là Tổng giám đốc CTCP Sam Holdings, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư BVG (Tiền thân là Công ty TNHH Thép Bắc Việt), Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.
Mọi người ít khi biết đến thất bại của những người thành công
“Khi tôi khởi nghiệp vào năm 2000, tôi chính là người góp vốn, là tổng giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT của công ty. Trước đó, đời tôi chưa một lần làm giám đốc”, ông kể.
Câu chuyện về khởi nghiệp mà ông nhắc đến chính là Công ty TNHH Thép Bắc Việt.
Ông ngậm ngùi, “Ngay lô hàng nhập về đầu tiên khi tôi làm giám đốc, tôi phải mất khoảng 2 năm cày cuốc để trả lại thăng bằng cho công ty. Hai năm cho một quyết định trong đời. Từ khi lên làm giám đốc, tôi sai luôn từ đầu. Lúc đấy, tôi đã không tin vào tôi nữa, tôi hoàn toàn mất tự tin”.
"Cá mập" Trần Anh Vương. |
Năm 2007-2008, cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra và hàng loạt doanh nghiệp khai tử, thật đáng mừng khi Thép Bắc Việt vẫn hoạt động với kết quả khả quan. Năm 2008, 2009 Bắc Việt lãi lần lượt hơn 12 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Năm 2010, ông đưa Thép Bắc Việt lên sàn.
Theo lời ông nói, thừa thắng xông lên, ban lãnh đạo quyết thành lập đến 9 công ty. Trong đó có một công ty làm về logistic, nhằm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá và tiết kiệm chi phí nhân công ngoài. Tuy nhiên... công ty này sau đó đã bị giải thể và để lại một bài học lớn cho ông. Dám đứng ra giải thể công ty do chính mình thành lập là cách mà ông đối mặt và thừa nhận sai lầm của mình.
Không dừng lại ở đó, Thép Bắc Việt vay rất nhiều để đầu tư sản xuất kinh doanh. Năm 2010 - 2012, sự tàn phá của cơn bão lãi suất “khủng” biến các khoản nợ của công ty trở thành nợ xấu, lãi vay chiếm tỷ trọng chi phí lớn của công ty, nuốt chửng lợi nhuận gộp trong kinh doanh. Suốt từ năm 2012 đến 2016, Thép Bắc Việt lỗ triền miên và buộc phải huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Vương cho rằng một doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh có lãi chưa quan trọng bằng việc đảm bảo dòng tiền. Một công ty hạch toán lãi nhưng không có dòng tiền càng nguy hiểm hơn.
Khi công ty có các khoản nợ với các bên: bảo hiểm, ngân hàng, thuế vụ, người lao động, nhà cung cấp, hãy nhớ đặt người lao động lên đầu tiên!
Đối mặt với "khủng hoảng nợ nần", theo ông việc trả lương của người lao động và nộp bảo hiểm là ưu tiên hàng đầu. Ông nói, "Không có nhân viên, công ty chết". Sau khi giải quyết vấn đề cho người lao động, công ty sắp xếp để trả nợ cho người cung cấp, và cơ cấu thời hạn nợ vay ngân hàng nhằm giảm áp lực thời gian nợ.
Nhờ vào việc cơ cấu thời hạn khoản nợ, công ty của ông vượt qua được cửa ải khó khăn. Năm 2016, CTCP Thép Bắc Việt đổi tên thành CTCP Đầu tư BVG, bổ sung các hoạt động tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, quản lý. Cho đến cuối 2017, kết quả kinh doanh của công ty ghi nhận điểm sáng khi hoạt động kinh doanh có lãi.
Tan đàn xẻ nghé, chảy máu chất xám: Startup hãy sẵn sàng đối mặt
Đối với một startup, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn người đồng hành. “Nhân thì dễ, chia thì khó”. Chọn người góp vốn là vấn đề cực kỳ khó, và bản thân ông cũng có cho mình bài học đắt giá.
Ông kể rằng năm 1995, ông là một trong 5 thành viên góp vốn thành lập nên một công ty. Sau 5 năm hoạt động, một công ty ban đầu biến thành 5 công ty riêng rẽ.
"Đội ngũ nhân sự tan đàn xẻ nghé và thành đối thủ của nhau... Thất bại đau đớn không chỉ dừng lại ở mặt tài chính, mà là về mối quan hệ", ông cười trong tiếc nuối.
Ông Trần Anh Vương tại Talk Show "Nỗi đau triệu đô" ngày 28/7. (Ảnh: Tuệ An) |
Cũng về câu chuyện nhân sự của người khởi nghiệp, bên cạnh chia sẻ của ông Vương, tôi vẫn nhớ như in câu nói của một nhà sáng lập startup công nghệ đình đám một thời: "Là startup, hãy sẵn sàng đối mặt với chảy máu chất xám!".
Vị doanh nhân khẳng định tìm người giỏi cho startup không dễ, bởi startup không trả lương đủ cao, không có môi trường chuyên nghiệp như các công ty lớn. Ở Việt Nam, chưa có starup công nghệ nào thật sự thành công bởi khi công ty chưa đủ lớn thì nhóm sáng lập đã tan rã. Trong lĩnh vực này, không ít trường hợp một bộ phận công ty ôm phần lõi công nghệ ra ngoài và bắt đầu cạnh tranh lẫn nhau.
Không ngại ngần nói về thất bại của bản thân, ông Trần Anh Vương cho rằng ngày nay đã có nhiều lời chia sẻ về thành công, nhưng còn thiếu những câu chuyện thẳng thắn về thất bại đau đớn đằng sau ánh hào quang.
Chia sẻ câu chuyện thất bại là cách để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể rút ra được những bài học và hiểu rằng: "Thất bại không có gì đáng sợ! Thành công chính là phép cộng của thất bại và hành động"
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/