Sáng tạo để vượt bão
Vốn là startup có tên tuổi trên thị trường, Lê Thanh, nhà sáng lập ShoeX cũng không tránh khỏi liêu xiêu từ khi có dịch COVID-19. “Dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm mặt hàng thời trang giảm hẳn”, Thanh nói và cho biết, có ngày không một khách nào bước vào cửa hàng giày.
“Chúng tôi đẩy mạnh kênh bán hàng online, nhân viên mang sản phẩm đến tận nhà để khách thử và chọn món hàng ưng ý. Dù rất cố gắng nhưng việc kinh doanh không còn suôn sẻ như trước” - Lê Thanh cho biết.
Với công thức làm giày từ bã cà phê, Lê Thanh lóe lên ý tưởng sản xuất khẩu trang cà phê (AirX) có thể tái sử dụng. Theo dõi tin tức về dịch bệnh, Thanh nhận thấy thế giới đang vứt hàng triệu khẩu trang dùng một lần.
Với khẩu trang sản xuất từ sợi cà phê đảm bảo tính kháng khuẩn có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm cho người dùng và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường nhờ khả năng phân hủy sinh học.
AirX ra đời không chỉ là “cứu cánh” để DN này ứng phó đại dịch COVID-19, mà còn là giải pháp bền vững bảo vệ môi trường.
Sau 4 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng chiếc khẩu trang làm từ bã cà phê ra đời. “Rất nhiều khó khăn để “đứa con” tinh thần chào đời trong lúc này, như tìm màng lọc có thể thay thế, nguyên vật liệu có khả năng phân hủy, nhân công sản xuất…
Khi tất cả qua đi, sản phẩm được nhiều người đón nhận, chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Bởi khẩu trang không chỉ là cứu cánh cho doanh nghiệp lúc này, mà còn là sản phẩm để chúng tôi chinh phục thị trường xuất khẩu”, anh Lê Thanh chia sẻ.
Qualá - thương hiệu hoa tươi tại TPHCM bên bờ vực phá sản khi doanh thu sụt giảm hơn 90%. Tuy nhiên, Qualá đã tìm được lối thoát hiểm.
Thương hiệu này kết hợp giữa hoa tươi và cà phê tạo thành loại thức uống mang tên “Hoa Coffee”, cùng những lời chúc ngộ nghĩnh cho ngày mới tràn đầy năng lượng.
Giờ đây, ly cà phê mang đi đã trở thành món quà tặng nhau chứ không chỉ là thức ăn đơn thuần. Anh Phan Nhật Minh, đại diện Qualá chia sẻ: “Chúng tôi không thể chờ hết dịch mà phải vận động, tìm lối thoát cho chính mình.
Dịch bệnh đã làm giảm mạnh nhu cầu mua hoa trao tặng mỗi ngày. Do vậy, sản phẩm này ra đời để đại diện Qualá bày tỏ mong muốn những người cách ly, ít có cơ hội gặp nhau vẫn có thể quan tâm và chia sẻ cảm xúc qua những ly cà phê hoa yêu thương”.
Chị Trần Thị Kim Thoa, chủ quán trà sữa 1st Tea (Q.3, TPHCM) mở quán kinh doanh đúng dịp dịch bệnh. “Tứ bề gặp khó”, chị Thoa nảy sáng kiến bán trà sữa cho khách mua về tự chế biến.
Từng set tương ứng 3-5 ly, nguyên liệu vừa đủ và công thức sẵn có, đã thuyết phục được khách hàng. Nhờ vậy quán của chị vẫn có đồng ra đồng vào, cầm cự qua hết mùa cách ly.
Sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ an toàn
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ tạo cơ hội cho startup sáng tạo lối đi riêng, mà còn giúp nhiều ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.
Doanh nhân Mã Thanh Danh, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Đầu tư quốc tế CIB đã đưa ý tưởng sàn thương mại điện tử (TMĐT) bình ổn giá chống hoảng loạn thành hiện thực hồi giữa tháng 4 vừa qua.
“Khi tôi thấy nhiều người xếp hàng chờ mua khẩu trang, nước rửa tay hàng giờ đồng hồ mà không mua được tôi đã đưa ý tưởng về TMĐT bình ổn giá, vận hành trên cơ sở phân phối hàng hoá theo đúng cung cầu thực tế.
Theo đó, ý tưởng này mỗi người mua sẽ được cấp tài khoản từ số điện thoại, mua hàng đủ đáp ứng nhu cầu trong tuần/tháng và có thể đặt mua hàng cho tuần/tháng tiếp theo.
Trường hợp khách hàng có nhu cầu tăng đột biến hoặc với một số hàng hoá đặc biệt hơn như khẩu trang, nước rửa tay, thuốc... sẽ được xác thực nhu cầu và cho phép mua nhiều hơn”, anh Danh cho biết.
Hoa Coffee không chỉ giúp Qualá duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn, mà còn trở thành “đòn bẩy” để startup này đẩy mạnh bán sản phẩm sau dịch.
“Chúng tôi chỉ chuyên kinh doanh hoa, nhưng giờ tiệm bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực pha chế, quà tặng từ thức uống. Ý tưởng hoa kèm nước đã có trong tôi từ khá lâu, nhưng khi tiệm hoa trước mối nguy COVID-19, chúng tôi chớp thời cơ, triển khai dự án sớm hơn.
Dịch bệnh vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng tôi thay đổi bộ máy vận hành, thôi thúc doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn”, anh Minh chia sẻ.
Lê Thanh tiết lộ, đang có kế hoạch dài hơi để đưa khẩu trang cà phê xuất ngoại. Khẩu trang cà phê đang rất phù hợp nhu cầu của xã hội. Chúng tôi sẽ không ngừng nghiên cứu và phát triển để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đó.
Chia sẻ câu chuyện DN Việt làm gì để vượt “bão” COVID-19, ông Đình Hoàng, chuyên gia thương hiệu cho rằng, DN phải chuyển đổi sản phẩm, tạo ra các sản phẩm theo trend (xu hướng), sáng tạo các sản phẩm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Khách hàng sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ an toàn.
"DN vừa và nhỏ, DN startup là đối tượng chịu nhiều tổn thương do dịch bệnh. Để trụ trên thương trường, DN cần sáng tạo, đổi mới và ít nhiều có liên quan đến sức khoẻ cộng đồng, đề cao bảo vệ môi trường.
Khi nghiên cứu và phát triển, bạn trẻ cần dự tính giá bán từ ban đầu để tối ưu chi phí sản xuất. Quan trọng nhất là phải tìm ra sự khác biệt của sản phẩm và chỉ nên đánh vào thị trường ngách khi ngân sách marketing của DN không quá lớn". Lê Thanh, nhà sáng lập ShoeX
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/