Sáng tạo bồn rửa đa năng thay thế bỉm, ông bố 'bỉm sữa' lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn 2,5 tỉ đồng
Đến với Shark Tank mùa 3, anh Lê Đức Thắng chào mời các nhà đầu tư rót 2,5 tỉ đồng đổi lấy 10% cổ phần của Boom Potty. Boom Potty là công ty sản xuất bồn rửa đa năng, nhằm thay thế bỉm truyền thống, giúp các bố mẹ của trẻ thuận tiện hơn trong việc vệ sinh con.
Nhà sáng lập nói bố mẹ của trẻ hiện đang phải ôm rửa vệ sinh cho con cái trong tư thế vô cùng khó khăn. Việc vệ sinh toilet sau đó cũng là một vấn đề tương đối tốn thời gian và công sức.
Bồn rửa đa năng Boom Potty thiết kế theo một cách thuận tiện nhất để giúp trẻ đi vệ sinh. Người dùng đặt bồn rửa trên bồn cầu thông thường. Thiết kế của Boom Potty giúp trẻ có tư thế đi vệ sinh tốt nhất, chống táo bón.
Ngoài ra, Boom Potty còn là một giải pháp giúp tiết kiệm chi phí mua bỉm khi thời hạn sử dụng của bồn rửa là rất dài. Theo nhà sáng lập Đức Thắng, trẻ từ 7-8 tháng tuổi có thể bỏ bỉm và sử dụng Boom Potty và sẽ tiếp tục sử dụng tới năm 4 tuổi.
Shark Liên nói tới nguy cơ về chất lượng cũng như bản quyền về sản phẩm. Anh Thắng cho hay anh đã suy nghĩ về việc đăng kí sở hữu độc quyền, kiểu dáng công nghiệp và kiểm định chất lượng.
Anh Lê Viết Thắng kêu gọi 2,5 tỉ đồng cho sản phẩm bồn rửa đa năng Potty trong chương trình Shark Tank Việt Nam tối 16/10. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Từ tháng 8/2018, doanh thu của Boom Potty là 1,25 tỉ đồng và mức lợi nhuận gộp là 40%. Nếu như nhận tiền đầu tư, công ty kì vọng sẽ đạt mức doanh thu 6-8 tỉ.
Với mức vốn đã đầu tư chỉ là 1,5 tỉ (800 triệu cho nghiên cứu và 700 triệu cho sản xuất), việc định giá công ty ở mức 25 tỉ khiến ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng là quá cao, nhất là khi công ty không có nhà xưởng mà khâu sản xuất phải thuê ngoài.
Hiện tại, giá bán lẻ của một bồn rửa là 325.000. Về cơ cấu giá thành, 100.000 trong số đó là giá gốc cấu thành nên sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn chiết khấu 32% cho đại lí, tương đương khoảng 100.000 đồng nữa.
Theo tính toán của anh Thắng, công ty chỉ cần bán thêm 10.000 sản phẩm nữa với khoảng thời gian ước tính 1,5-2 năm (trước đó đã bán được 5.000 chiếc) thì có thể hòa vốn khi chưa nhận đầu tư. Trong trường hợp nhận số tiền 2,5 tỉ để tiếp thị, điểm hòa vốn có thể bị đẩy lùi ra xa hơn.
"Chúng ta cần phải giáo dục thị trường, nên chi phí marketing giai đoạn đầu sẽ rất cao, chiếm 20%-30%", nhà sáng lập Boom Potty nhận định.
Trong tình huống ấy, lợi nhuận của công ty giảm xuống rất thấp. Theo tính toán của ông Phạm Thành Hưng, những chi phí sản xuất, chiết khấu bán hàng và marketing đã gần như chiếm toàn bộ doanh thu. Ngoài ra, với những chi phí như văn phòng và chi phí phát sinh, Boom Potty sẽ không thể chạm tới điểm hòa vốn.
"Chúc mừng anh có một dự án xã hội. Có lẽ nên chuyển anh sang dự án về doanh nhân cộng đồng", ông Hưng đưa ra quan điểm.
Về kênh phân phối, anh Thắng cho hay công ty đang chủ yếu bán hàng trực tuyến, chiếm 70%. Và Boom Potty đang muốn mở rộng bán hàng sang kênh phân phối truyền thống qua các đại lí. Lí do là vì việc bán hàng truyền thống tương đối nhỏ lẻ và tốn rất nhiều thời gian.
Bị 4 nhà đầu tư từ chối, Boom Potty vẫn gọi vốn thành công từ bà Đỗ Thị Kim Liên. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Theo tính toán của nhà sáng lập, thị trường trong nước vẫn còn rất tiềm năng. Việt Nam hiện tại có 5,5 trẻ em đang trong độ tuổi có khả năng sử dụng sản phẩm Boom Potty. Cộng với 1,5 triệu bé sinh ra mỗi năm, anh Thắng đặt mục tiêu 2% số trẻ em sử dụng sản phẩm là hoàn toàn có thể sinh lời.
Nhận định mức tỉ suất sinh lời quá thấp và sản phẩm không quá đặc biệt, ông Hưng quyết định từ chối đầu tư. Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng đây không phải là lĩnh vực sở trường nên cũng rời cuộc chơi.
Cùng quan điểm với shark Hưng và shark Dũng, ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng mức định giá doanh nghiệp đang ở mức quá cao, nên cũng không thể đầu tư. Bà Thái Vân Linh lại nhận định thị trường còn quá nhỏ nên là "cá mập" tiếp theo lắc đầu.
Ngược lại, bà Đỗ Thị Kim Liên quyết định đưa ra lời đề nghị 2,5 tỉ đồng đổi lấy 35% cổ phần và 5% phần doanh thu công ty sẽ được trích vào quĩ "Ươm mầm khởi nghiệp" của Shark Tank Việt Nam mùa 3.
"Đầu tư vào cho bạn là tôi đang nhớ về cháu ngoại. Đây cũng là một món quà thể hiện sự yêu thương với cháu, với con", bà Liên thổ lộ.
Sau khi tham khảo ý kiến của vợ, anh Thắng và bà Liên đã chốt thành công thương vụ đầu tư. Bà Đỗ Liên sẽ rót 2,5 ti đồng đổi lấy 30% và 5% doanh thu của 30.000 sản phẩm tiếp theo. Công ty sẽ chuyển doanh thu vào quĩ "Ươm mầm khởi nghiệp" như hai bên đã thống nhất trước đó.