Qui định về nhập khẩu hàng hóa của Phần Lan
Chứng từ nhập khẩu
Các công ty xuất khẩu hàng hóa vào Phần Lan cần lưu ý các vấn đề liên quan đến chứng từ nhập khẩu sau:
- Tờ khai hải quan và tờ khai về trị giá tính thuế (kèm theo giấy phép nhập khẩu và hóa đơn thương mại) được yêu cầu bởi nhà nhập khẩu khi hàng đến cảng của Phần Lan.
- Hóa đơn chiếu lệ có thể được yêu cầu bởi nhà nhập khẩu để lấy giấy phép nhập khẩu. Thông tin trên hóa đơn phải nhất quán với những thông tin trên hóa đơn thương mại.
- Hóa đơn thương mại không có qui định về mẫu hóa đơn, tuy nhiên trên hóa đơn phải có đủ các thông tin bao gồm: tên, địa chỉ của người bán và người mua; ngày lập hóa đơn và thực hiện việc mua bán; số, loại, trọng lượng, kí mã hiệu và số thứ tự của hàng hóa; tên thương mại và số lượng hàng; cột giá hàng và phần chiết khấu; điều khoản giao hàng và thanh toán; nước nơi hàng được mua hoặc nước xuất xứ (nếu hóa đơn kê nhiều loại hàng từ những nước khác nhau, nước xuất xứ của từng mặt hàng phải được nêu riêng); bưu phí hoặc chi phí vận chuyển; chi phí đóng gói, bảo hiểm và chi phí giao nhận.
Nếu có quá nhiều chi tiết cần thiết liên quan đến lô hàng thì nên có kèm theo phiếu đóng gói riêng.
- Giấy chứng nhận xuất xứ được yêu cầu đối với một số mặt hàng cụ thể. Người xuất khẩu cần kiểm tra kĩ với người nhập khẩu về các chi tiết cần thiết.
- Vận đơn theo lệnh có thể được chấp nhận. Cần có bản gốc và bản copy vận đơn.
- Phiếu đóng gói: Nếu trên hóa đơn không đủ để ghi các chi tiết về bao kiện hàng hóa thì nên cung cấp phiếu đóng gói riêng cho lô hàng.
- Giấy chứng nhận đặc biệt: Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp, được yêu cầu đối với động thực vật nhập khẩu có khả năng dễ gây lây nhiễm bệnh sang nước nhập khẩu.
Các mặt hàng thuộc diện phải có kèm theo giấy chứng nhận đặc biệt bao gồm động thực vật sống, sản phẩm thô từ động vật và nhiều sản phẩm chế biến khác từ động vật. Thực phẩm hỗn hợp, cỏ khô cho động vật và phân bón hỗn hợp cần có giấy chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan cấp.
Các mặt hàng cấm nhập khẩu
- Các sản phẩm qui định trong Công ước CITES.
- Vũ khí.
- Hóa chất PCB và PCT sử dụng trong máy biến thế, biến áp và bình ngưng có khả năng tạo ra các chất thải công nghiệp.
- Thịt cá voi.
Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu
Hầu hết hạn chế nhập khẩu chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng bao gồm các loại thép, đặc biệt là những loại nhập khẩu từ các quốc gia độc lập trong Khối Thịnh vượng chung và một số mặt hàng từ Trung Quốc.
Hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Phần Lan được áp dụng chung như qui định của toàn EU. Khả năng được cấp hạn ngạch tùy thuộc vào việc nhà nhập khẩu là nhà cung cấp đã hiện diện trên thị trường hay là nhà nhập khẩu mới.
Phần Lan áp dụng các qui định pháp lí về chống bán phá giá của EU cùng với các cơ chế bảo hộ nhập khẩu của Liên minh. Qui định về hạn chế nhập khẩu của Phần Lan cũng tương tự như các nước khác ở EU.
Giấy phép nhập khẩu được yêu cầu đối với các sản phẩm dệt, một số loại đồ sứ, thực phẩm, sản phẩm sắt và thép. Giấy phép nhập khẩu được cấp bởi Ban Hải quan Quốc gia trên cơ sở xem xét đơn của nhà nhập khẩu.
Những hạn chế nhập khẩu khác bao gồm việc kiểm soát vệ sinh dịch tễ ở biên giới đối với thịt và các sản phẩm từ thịt, sữa và các sản phẩm sữa, cá và các sản phẩm từ cá. Kiểm soát kiểm dịch ở biên giới được áp dụng đối với thực vật sống.
Một số sản phẩm chịu những qui định kĩ thuật và kiểm soát về tiêu chuẩn bắt buộc bao gồm sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, mĩ phẩm và sản phẩm sơn.
Tạm nhập
Hàng hóa tạm nhập khẩu vào Phần Lan có thể được miễn thuế nhập khẩu trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhằm mục đích trưng bày tại hội chợ hoặc triển lãm.
- Hàng mẫu thương mại.
- Thiết bị và dụng cụ chuyên ngành.
Nếu hàng hóa không có mục đích sử dụng nêu trên và không được xuất khẩu trong khoảng thời gian qui định (tối đa là 1 năm) thì phải thực hiện các thủ tục thông quan thông thường và phải trả các khoản thuế và phí theo qui định.
Tại Phần Lan, ATA Carnet, một loại chứng từ hải quan quốc tế sử dụng trong việc tạm nhập hàng hóa miễn thuế, được cấp bởi Phòng Thương mại. ATA Carnet thường được sử dụng để tạm nhập các mặt hàng bao gồm hàng mẫu, tài liệu trưng bày tại hội chợ hoặc triển lãm, các thiết bị chuyên ngành như máy tính xách tay, phần mềm... và có giá trị trong vòng 1 năm.
Hàng rào phi thuế quan
Việc nhập khẩu thực phẩm và các mặt hàng nông sản từ các nước ngoài EU được thực hiện theo Chính sách nông sản chung, thường áp dụng thuế nhập khẩu và hạn ngạch, có thể yêu cầu có giấy phép hoặc chứng nhận.