|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp lợi nhuận vượt trội (With and Without Method - WWM) là gì?

09:44 | 07/11/2019
Chia sẻ
Phương pháp lợi nhuận vượt trội (tiếng Anh: With and Without Method - WWM) là một trong những phương pháp để thẩm định giá tài sản vô hình tiếp cận từ thu nhập.
business_valuation_easy

Hình minh họa (Nguồn: idealphotography)

Phương pháp lợi nhuận vượt trội

Khái niệm

Phương pháp lợi nhuận vượt trội trong tiếng Anh gọi là: With and Without Method - WWM hay The comparative income differential method (CIDM).

Phương pháp lợi nhuận vượt trội là phương pháp ước tính giá trị của tài sản vô hình trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô hình này.

Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội:

Giá trị tài sản vô hình được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.

Thông tin cần có để áp dụng

Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:

- Lợi nhuận kì vọng, chi phí tiết kiệm được và các dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.

- Tỉ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập trong tương lai.

Trường hợp áp dụng

- Phương pháp này có thể áp dụng với cả tài sản vô hình tạo ra các khoản thu nhập tăng thêm và tài sản vô hình giúp tiết kiệm chi phí.

- Có thể dùng làm một phương pháp bổ sung cùng với các phương pháp thẩm định giá khác.

Phương pháp lợi nhuận vượt trội (With and Without Method) là một trong những phương pháp để thẩm định giá tài sản vô hình tiếp cận từ thu nhập.

Tài sản vô hình: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.

Tài sản vô hình được đề cập trong bài này phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;

- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng kí, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);

- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;

- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.

(Tài liệu tham khảo: Thông tư số 06/2014/TT-BTC Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13)

Tuyết Nhi