|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'P/E của VN-Index đang thấp hơn bình quân 5 năm'

08:10 | 14/02/2021
Chia sẻ
FiinGroup cho biết đợt điều chỉnh giảm cuối tháng 1 vừa qua đã đưa P/E của VN Index từ mức 19,2x (tại ngày 18/1/2021) về mức hiện tại (16,04), thấp hơn P/E bình quân 5 năm (16,3x).

Báo cáo mới nhất của FiinGroup cập nhật kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 cho biết lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp phi tài chính quý IV/2020 đã tăng trở lại mặc dù chất lượng lợi nhuận chưa hồi phục tương ứng.

Doanh thu khối phi tài chính vẫn trong xu thế hồi phục nhưng chưa về mức trước dịch COVID-19 trong khi lợi nhuận sau thuế đã tăng 9,8% so với cùng kỳ với hơn một nửa số doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh trong quý này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận. Đây là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận kế toán của khối phi tài chính cải thiện.

Tuy nhiên, chất lượng lợi nhuận chưa được cải thiện tương ứng. Trong quý IV/2020, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của khối phi tài chính tiếp giảm 9,1% so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy tăng trưởng lợi nhuận kế toán của nhóm phi tài chính phần lớn được hỗ trợ bởi thu nhập ngoài (bao gồm từ hoạt động tài chính) hơn là thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Doanh nghiệp thép dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2020 của nhóm phi tài chính - Ảnh 1.

Báo cáo cho biết quý IV, nhóm tài nguyên cơ bản dẫn dắt tăng trưởng của khối phi tài chính, trong đó chủ yếu đến từ nhóm thép (bao gồm HPG, HSG, TVN). Với HPG, tăng trưởng lợi nhuận nhờ đẩy mạnh tiêu thụ thép thô và HRC cũng như chênh lệch giá hàng tồn kho do giá quặng tăng (công ty đã tích lũy được lượng lớn quặng giá thấp từ quý II).

Ở nhóm tiện ích, lợi nhuận đã hồi phục về mức trước khi COVID-19 bùng phát sau khi giảm ba quý liên tiếp trước đó, phần lớn nhờ nhóm nhóm thủy điện (đặc biệt là các nhà máy ở khu vực miền Trung như VSH, KHP, CHP, SBH) và Nhiệt điện (QTP, PPC). 

Với mảng bán lẻ và hàng cá nhân và gia dụng là hai nhóm ngành hồi phục mạnh sau dịch COVID-19 nhờ tiêu dùng cải thiện.

Doanh nghiệp thép dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2020 của nhóm phi tài chính - Ảnh 2.

Tăng trưởng quý IV không đủ kéo lợi nhuận cả năm về mức trước dịch

Tính chung cả năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận khối phi tài chính vẫn trong xu hướng đi xuống kể từ năm 2018 và dịch COVID-19 bùng phát khiến lợi nhuận kế toán cả năm nay của khối này giảm sâu khoảng 22,2% so với năm trước.

Doanh nghiệp thép dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2020 của nhóm phi tài chính - Ảnh 3.

EPS giảm 27,2% trong năm 2020. Mức giảm này cao hơn mức giảm lợi nhuận sau thuế do khi tính toán tăng trưởng EPS, FiinGroup đã tiến hành điều chỉnh số cổ phiếu lưu hành để loại bỏ đi tác động từ việc phát hành tăng vốn của doanh nghiệp. 

Năm 2021, Fiin Group dự báo lợi nhuận khối phi tài chính sẽ hồi phục về mức trước dịch, tương đương với mức tăng trưởng trên 20%.

Doanh nghiệp thép dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2020 của nhóm phi tài chính - Ảnh 4.

Sự suy giảm lợi nhuận diễn ra ở 8/16 ngành phi tài chính do cầu trong và ngoài nước giảm mạnh khi dịch COVID-19 lan rộng. Ngành bất động đóng góp 26,5% lợi nhuận khối phi tài chính trong năm 2020, nhưng lợi nhuận giảm 20,1% so với năm trước đó. 

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ giảm mạnh. Nhóm doanh nghiệp bất động sản thuộc Vingroup có kết quả kinh doanh trái chiều với lợi nhuận của VIC và VRE giảm lần lượt là 43,1% và 16,5% trong khi lợi nhuận của VHM tăng 18,3% (riêng quý IV tăng 68,5% nhờ ghi nhận doanh số bán hàng tăng 65% lên hơn 22.000 sản phẩm). 

Với thực phẩm và đồ uống, lợi nhuận giảm 7,4% chủ yếu do Masan (MSN) hợp nhất khoản lỗ gần 4.200 tỷ từ VinCommerce và nếu không tính đến khoản lỗ này, lợi nhuận ngành tăng 5,7% nhờ chăn nuôi (DBC), Bia (BHN) và đường (SBT).

Ở chiều ngược lại, ngoài tài nguyên cơ bản, đáng chú ý còn có ngành công nghệ thông tin với lợi nhuận tăng 10,6% so với năm 2019, đứng đầu là FPT (tăng 28,9%) và CMG (tăng 5,9%) nhờ đẩy mạnh cung cấp giải pháp công nghệ về chuyển đổi số. 

Năm 2020, chỉ 5/16 ngành có EPS tăng trưởng. Đáng chú ý là ngành tài nguyên cơ bản với EPS bình quân là 2.199 đồng/cp, tăng 66,1% so với năm 2019 phần lớn là nhờ sự tăng trưởng mạnh của nhóm thép (bao gồm HPG, HSG và TVN).

P/E của VN-Index đang thấp hơn P/E bình quân 5 năm

Theo báo cáo, EPS toàn thị trường giảm 13,2% trong năm 2020, trong đó khối phi tài chính giảm 27,2% trong khi khối tài chính tăng 8,1%. 

Đợt điều chỉnh giảm cuối tháng 1 vừa qua đã đưa P/E của VN Index từ mức 19,2x (tại ngày 18/1/2021) về mức hiện tại (16,04), thấp hơn P/E bình quân 5 năm (16,3x). 

Với kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 hồi phục về mức trước COVID-19 (tương đương với tăng trưởng lợi nhuận trên 20%), P/E forward của khối phi tài chính là 14,7x dựa trên quy mô vốn hóa hiện tại.

Nhóm tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu và công nghệ thông tin là các ngành có lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2020, nhưng định giá hiện tại vẫn tương đương hoặc chưa quá cao so với bình quân 3 năm, FiinGroup nhận định.

Trong khi đó, các ngành hàng phụ thuộc vào cầu tiêu dùng trong nước (dược phẩm, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng và tiện ích) có triển vọng lợi nhuận hồi phục trong năm 2021 và được FiinGroup nhận định "đang khá hấp dẫn".

Doanh nghiệp thép dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2020 của nhóm phi tài chính - Ảnh 5.

Hoàng Kiều