|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình: Tướng phải sẵn sàng lăn xả, hi sinh thì nhân viên mới theo được

13:12 | 03/10/2023
Chia sẻ
Nhớ lại thời điểm thảm họa động đất sóng thần lịch sử diễn ra ở Nhật Bản vào năm 2011, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đã tiết lộ thêm câu chuyện về cách một người lãnh đạo đối mặt với nghịch cảnh.

Tại tọa đàm "Thế hệ các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp mới - The New Leaders" do Hội doanh nhân trẻ Hà Nội tổ chức (HanoiBa), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình chia sẻ vai trò của người lãnh đạo trong thời điểm khó khăn do tác động của ngoại cảnh.

Cụ thể, trở lại thời điểm năm 2011, lúc ông Trương Gia Bình đang họp trực tuyến với giám đốc FPT Japan (khi đó là ông Takeo Ogawa) thì phát hiện sắc mặt của vị lãnh đạo người Nhật không ổn. Sau tìm hiểu, ông Bình nắm được thông tin động đất sóng thần ở Nhật Bản. Ngay lập tức, người đứng đầu FPT yêu cầu thư ký mua vé máy bay để tới Nhật Bản, bất chấp sự ngăn cản của gia đình và nhân viên.

Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình. (Ảnh chụp màn hình).

"Thư ký bảo phóng xạ lên tới 200 lần rồi, anh không thể đi được nhưng tôi vẫn quyết đi. Về nhà còn khổ hơn nữa là vợ không cho. Tôi bảo vợ rằng anh là tướng thì chỗ đầu sóng ngọn gió là anh đứng, em không được cản anh vì đó là chính anh. Em mà chống anh, tức là em không chấp nhận anh như là anh", ông Bình hồi tưởng lại chuyến đi "sóng gió" tới Nhật Bản.

Thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 là một ký ức không thể nào quên đối với người dân Nhật Bản cũng như toàn thế giới. Ngày 11/3/2011, đại địa chấn Honshu có độ lớn 9,1 richte bắt đầu từ ngoài khơi hòn đảo Honshu ở phía Đông Bắc Nhật Bản đã gây ra sóng thần cao đến 40 m ập vào đất liền, phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.

Theo thống kê chính thức, 15.899 người đã thiệt mạng, nhiều thị trấn bị xóa xổ. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển bị sóng thần tấn công gây ra thảm hoạ hạt nhân nghiêm trọng, khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. 

Thời điểm đó, ông Trương Gia Bình buộc phải lao vào vùng thiên tai để trấn an đội ngũ nhân sự của Tập đoàn FPT ở Nhật Bản. "Lúc tất cả những người nước ngoài đã ra khỏi Nhật Bản thì tôi đến trước mặt toàn bộ nhân viên và nói rằng anh có một yêu cầu rằng các em ở lại. Anh chưa bao giờ hỏi một câu khó khăn như vậy nhưng các em hãy ở lại. Anh có mặt ở đây nghĩa là chúng ta có thể ở lại. Anh sẵn sàng giúp đỡ các bạn bất cứ việc gì nếu các bạn ở lại", ông Trương Gia Bình hồi tưởng.

Phát hiện một đơn vị sát vùng động đất sóng thần không đến họp, ông Trương Gia Bình đã tới thẳng nhà máy để làm việc. Ông cho biết nhân viên người Việt của FPT khi đó đều rất hoảng loạn và sẵn sàng bỏ hết tất cả để về nước.

"Một cán bộ nói với tôi rằng bạn ấy là con trai duy nhất trong khi bố đang nằm chờ mổ tim ở bệnh viện 108", ông Bình nhắc tới tình cảnh khó khăn. Khi đó, nhân sự này đảm nhiệm vị trí cuối cùng để sản phẩm của công ty có thể cung cấp đúng hạn với đối tác bên Nhật, phục vụ giải quyết động đất sóng thần và ông Bình phải tìm mọi cách để thuyết phục nhân sự tiếp tục làm việc.

"Anh hứa với em rằng anh sẽ làm con của bố em nếu em ở lại", ông Trương Gia Bình nói. Khi về nước, lãnh đạo FPT đã tới tận bệnh viện và đảm bảo ca mổ của người nhà nhân viên nói trên được diễn ra tốt đẹp. Theo ông Bình, đây là những câu chuyện nhằm thể hiện vai trò của người lãnh đạo với đội ngũ của mình, phải biết hy sinh và làm gương trước tiên. “Làm tướng phải sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng hi sinh thì nhân viên mới theo được”, ông Bình nêu rõ quan điểm.

Nỗ lực thuyết phục nhân viên ở lại làm việc trong nghịch cảnh đã giúp FPT Japan tiếp tục chiến lược phát triển. Thông tin từ Tập đoàn FPT, FPT Japan (thành lập năm 2005) là công ty Việt Nam hoạt động ở lĩnh vực công nghệ thông tin lớn nhất tại Nhật Bản với 13 văn phòng cùng với số nhân viên hơn 2.000 người. 

Thùy Trang