|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden răn đe Trung Quốc: Cẩn thận 'hậu quả' nếu giúp Nga đánh Ukraine

08:03 | 19/03/2022
Chia sẻ
Sáng ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Cuộc gọi được coi là một phép thử quan trọng về việc liệu ông Biden có thể thuyết phục Trung Quốc đứng ngoài cuộc xung đột ở Ukraine và từ chối các yêu cầu viện trợ kinh tế hoặc quân sự của Nga hay không.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải thúc đẩy hòa bình ở Đông Âu cũng như hỗ trợ xử lý thảm họa nhân đạo do cuộc chiến gây ra. Song, hai người bất đồng sâu sắc về việc ai phải chịu trách nhiệm cho chiến sự ở Ukraine, khi ông Tập từ chối quy trách nhiệm cho riêng Nga.

Thay vào đó, truyền thông chính thống ở Bắc Kinh nhấn mạnh quan điểm của ông Tập là Mỹ và châu Âu đã kích động Tổng thống Nga Vladimir Putin tấn công Ukraine bằng cách mở rộng NATO sang Đông Âu.

Lời răn đe của ông Biden

Trong cuộc gọi, ông Biden đã "mô tả những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga", Nhà Trắng cho hay.

Tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh viện trợ quân sự và kinh tế để tiến hành cuộc chiến chống Ukraine. Các báo cáo tình báo ban đầu cho thấy Trung Quốc đã đồng ý.

Sau cuộc gọi sáng 18/3, chia sẻ với CNBC, giới chức Mỹ lẫn Trung Quốc đều không biết liệu Tổng thống Biden đã có thể thay đổi suy nghĩ của ông Tập về Nga hay chưa.

Ở diễn biến khác, Nhà Trắng nhấn mạnh mục tiêu của ông Biden hoàn toàn không phải là tìm kiếm một lời đảm bảo trực tiếp từ ông Tập, rằng Bắc Kinh sẽ không giúp đỡ Moscow. Trái lại, ông Biden chỉ đang vạch rõ các lựa chọn mà Trung Quốc đang đối mặt.

Ông Biden "nói rõ rằng bất kỳ ai đứng về phía Nga vào thời điểm này đều có thể phải gánh chịu những hậu quả khôn lường", một quan chức giấu tên nói với CNBC.

Ông Biden răn đe Trung Quốc: Cẩn thận 'hậu quả' nếu giúp Nga đánh Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden đã gửi lời răn đe đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ vào sáng ngày 18/3. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Quan điểm của Bắc Kinh về Ukraine

Theo bản tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ông Biden rằng Mỹ và Trung Quốc đều có nghĩa vụ thúc đẩy hòa bình ở Ukraine.

"Cuộc khủng hoảng ở Ukraine không phải là điều chúng tôi muốn thấy", ông Tập nhấn mạnh với ông chủ Nhà Trắng.

Song, ngay cả khi chỉ trích thiệt hại nhân mạng trong cuộc chiến tại Ukraine, ông Tập vẫn từ chối đổ lỗi trực tiếp cho ông Putin hoặc Điện Kremlin.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Mỹ và châu Âu đã ép buộc ông Putin động binh. Ông Tập nói với Tổng thống Biden: "Ai leo lên lưng cọp thì phải tự trèo xuống".

Song, Trung Quốc cho biết ông Tập đã nói với người đồng cấp Joe Biden rằng ưu tiên cấp bách của Bắc Kinh bây giờ là "duy trì các cuộc đối thoại và đàm phán, tránh thương vong cho dân thường, ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch càng sớm càng tốt".

Vì mục tiêu trên, Bắc Kinh "sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và các quốc gia bị ảnh hưởng khác", thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Theo CNBC, việc Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine là một dấu hiệu cho thấy, ít nhất là trên bề mặt, quan hệ đồng minh giữa ông Tập và Tổng thống Putin có thể đang bị căng thẳng.

Sự cô lập của Nga

Người phát ngôn của chính phủ Nga lẫn Trung Quốc đều công khai phủ nhận rằng Nga từng tìm tới Trung Quốc để yêu cầu trợ giúp cho cuộc chiến chống lại Ukraine.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây dành cho Nga đã khiến Điện Kremlin bị cô lập. Một số nhà phân tích cho rằng Moscow đang tuyệt vọng tìm kiếm sự trợ giúp tài chính và quân sự từ các đối tác.

Giới chức quốc phòng cho hay, Trung Quốc dường như sẵn sàng cung cấp vật tư quân sư cho Nga, nhưng cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ công khai giúp Moscow né tránh các lệnh cấm vận kinh tế.

Bắc Kinh từng phát tín hiệu không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến kinh tế giữa Nga và các cường quốc phương Tây.

"Chúng tôi không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng không muốn bị dính dáng tới các lệnh trừng phạt của phương Tây", Ngoại trưởng Vương Nghị chia sẻ với người đồng cấp Tây Ban Nha trong cuộc điện đàm đầu tuần này.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.