Trung Quốc phát tín hiệu không muốn 'dính dáng' tới Nga?
Không muốn liên đới chiến sự Nga - Ukraine
Hôm 14/3, trong cuộc điện đàm cùng người đồng cấp Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ: "Chúng tôi không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng không muốn bị dính dáng tới các lệnh trừng phạt của phương Tây".
"Trung Quốc có quyền bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước chúng tôi", ông Vương nhấn mạnh trong cuộc thảo luận về tình hình chiến sự tại Ukraine, theo Bloomberg.
Giới đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cấm vận của Mỹ sau khi một số quan chức cấp cao tại Washington khẳng định Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự và tài chính.
Mỹ từng cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng Điện Kremlin đã thúc giục Trung Quốc chuẩn bị máy bay không người lái cho Nga vào cuối tháng 2, ngay khi nước này bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Tuy nhiên, cùng ngày, Trung Quốc cho biết thông tin trên "là hoàn toàn sai lệch". Ở chia sẻ khác, Moscow phủ nhận việc họ từng yêu cầu chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình giúp đỡ, khẳng định Nga có đủ nguồn lực để giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Ngoài ra, trong khi giới chức Mỹ liên tục cảnh báo Trung Quốc không nên giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuần trước cho biết không có bằng chứng nào cho thấy doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân đang có kế hoạch giúp đỡ Moscow.
Loạt bình luận từ Washington làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột quân sự ở Đông Âu có thể đẩy nhanh sự chia cắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ lâu, Bắc Kinh đã phản đối các lệnh cấm vận đơn phương được áp đặt bên ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc.
Cũng thông qua cuộc trao đổi với Tây Ban Nha, ông Vương Nghị nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn phản đối việc sử dụng trừng phạt để giải quyết vấn đề và càng phản đối các biện pháp cấm vận đơn phương không có cơ sở trong luật pháp quốc tế…chúng sẽ phá hoại các quy tắc chung và gây hại đến sinh kế của người dân ở tất cả các nước".
Phương án thứ ba
Theo hãng nghiên cứu Rhodium Group, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kêu gọi các ngân hàng lớn trong nước tuân thủ loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ giáng xuống đầu Nga, đồng thời "rất thận trọng" trong việc giúp đỡ Moscow né tránh những hạn chế liên quan đến xuất khẩu công nghệ quan trọng, miễn là lời đe dọa cấm vận Bắc Kinh của Washington vẫn có sức nặng.
"Rõ ràng, Bắc Kinh muốn theo đuổi một phương án khác, một phương án thứ ba nằm đâu đó giữa hai lựa chọn chủ chốt là ủng hộ Nga hoặc từ chối giúp đỡ Nga", các nhà phân tích của Rhodium cho hay.
"Vấn đề của Bắc Kinh là, việc duy trì mối quan hệ kinh tế và tài chính với Moscow sẽ rất khó để giấu kín khi các lệnh trừng phạt đối với Nga được áp dụng", nhóm chuyên gia tiếp tục.
Mặ dù Trung Quốc và Nga đang hợp lực chống lại hệ thống liên minh của Mỹ trên trường quốc tế và vị thế thống trị của phương Tây trong mạng lưới tài chính toàn cầu, rạn nứt trong mối quan hệ song phương đã xuất hiện kể từ khi Nga tấn công Ukraine.
Các quan chức Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về tổn thất sinh mạng của thường dân tại Ukraine. Đồng thời, họ còn kêu gọi bảo vệ chủ quyền của đất nước Đông Âu này, tăng cường ngoại giao với châu Âu cũng như thúc giục đàm phán hòa bình.
Lợi ích hạn chế
Từ góc độ chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không thể gặt hái lợi ích gì nếu cuộc chiến tại Ukraine kéo dài và tiếp tục làm chao đảo thị trường tài chính lẫn hàng hóa. Bắc Kinh thường ưu tiên ổn định môi trường chính trị trước thềm đại hội đảng. Năm nay, đại hội dự kiến diễn ra vào cuối năm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần quan hệ tốt với Mỹ và các đối tác khác để đáp ứng các mục tiêu kinh tế riêng, đặc biệt là khi tăng trưởng GDP địa phương chững lại. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chiếm hơn 25% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc vào năm 2020, trong khi tỷ lệ của Nga chỉ khoảng 2,5%.
Ông Charles Dunst, một thành viên cấp cao tại nhóm cố vấn kinh tế Asia Group, cho biết: "Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có sẵn lòng giúp đỡ Nga hay không, vì lợi ích vật chất mà nước này có thể đạt được sẽ rất hạn chế".
"Bắc Kinh rõ ràng muốn duy trì quan điểm trung lập… và sau đó xây dựng hình ảnh của Trung Quốc như một nước kiến tạo hòa bình…", ông Dunst giải thích thêm.