|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ tướng nhà Tân Hiệp Phát: Một doanh nghiệp không thể tồn tại khi các doanh nghiệp khác đóng cửa

07:51 | 09/09/2021
Chia sẻ
"Có những cái rất đơn giản như sửa chữa máy móc thiết bị, đó không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng nếu máy móc thiết bị không thể sửa chữa kịp thời thì thật sự doanh nghiệp 3T như chúng tôi cũng rất là loay hoay", bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

Dù là doanh nghiệp cung ứng hàng thiết yếu được hoạt động theo nguyên tắc 3T, song khi nói về tình hình kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát bà Trần Uyên Phương khẳng định: "Một doanh nghiệp không thể tồn tại khi các doanh nghiệp khác đóng cửa."

Phát biểu trên được trích trong tham luận "Thích nghi với người tiêu dùng và môi trường kinh doanh" của bà Trần Uyên Phương trong Diễn đàn trực tuyến: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI dẫn dắt, diễn ra chiều 8/9.

Kinh doanh online không phải là giải pháp tối ưu cho trung hạn và dài hạn

Bà Phương cho hay, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn về hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng. Tuy vậy, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào giải pháp bán hàng online bởi cách này không đủ cho trung hạn và dài hạn. Tân Hiệp Phát đã chọn cách duy trì hệ thống phân phối của mình.

"Chúng tôi đã chọn giải pháp duy trì hỗ trợ giá cho toàn bộ hệ thống. Tân Hiệp Phát không bán cho từng khách hàng mà bán cho hệ thống đại lý hoặc nhà phân phối. Do đó, giải pháp của chúng tôi là giữ khuyến mãi và hỗ trợ giá để giữ được giá cuối cùng đến người tiêu dùng và mức lợi nhuận của nhà phân phối, đảm bảo được toàn bộ hệ thống", bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

Về chuỗi cung ứng, nữ tướng nhà Tân Hiệp Phát cho rằng không thể nào một doanh nghiệp tồn tại khi các doanh nghiệp khác đóng cửa và "Tân Hiệp Phát đang gặp phải vấn đề như thế".

"Có những cái rất đơn giản như sửa chữa máy móc thiết bị, đó không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng nếu máy móc thiết bị không thể sửa chữa kịp thời thì thật sự doanh nghiệp 3T (3 tại chỗ - NV) như chúng tôi cũng rất là loay hoay, không biết làm sao để vận hành được khi các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được", bà Phương nói.

Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: Một doanh nghiệp không thể tồn tại khi các doanh nghiệp khác đóng cửa, mua sắm livestream có cơ hội phát triển nhanh hơn - Ảnh 1.

Bà Trần Uyên Phương cho rằng một doanh nghiệp không thể tồn tại nếu các doanh nghiệp khác đóng cửa. (Ảnh: Tân Hiệp Phát).

Về vận hành, theo chia sẻ, hiện Tân Hiệp Phát đang nỗ lực duy trì 3T. Đến nay, gã khổng lồ sản xuất nước giải khát ở Việt Nam đang có khoảng 1.000 nhân sự đang thực hiện 3T trong hơn hai tháng.

"Thực tế, 3T là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Khi vận hành 3T, Tân Hiệp Phát phải đếm từng ngày, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả kỷ luật công nhân. Sau khi ở công ty một tháng, các nhu cầu khác của người lao động phát sinh như giải trí, văn hoá,... và tạo ra một vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, Tân Hiệp Phát phải tổ chức nhiều hoạt động và chương trình để giúp nhân viên", bà Phương chia sẻ.

"Rất nhiều nhân viên muốn về vì nhớ vợ nhớ con. Tuy nhiên, khi ra bên ngoài, họ sẽ không có người sắp xếp và xử lý giúp các vấn đề, chẳng hạn công ty phải đảm bảo xịt khuẩn và nhiều biện pháp khác. Việc duy trì truyền thông hàng ngày với nhân viên đặc biệt quan trọng sau 30 ngày 3T", bà Phương nói thêm.

Để giúp nhân viên yên tâm làm việc, Tân Hiệp Phát đã thử nghiệm giải pháp sử dụng nón Vinhelm nhằm tránh cho nhân viên tiếp xúc với những mối nguy cơ cao lây bệnh khi ra ngoài. Ngoài ra, Tân Hiệp Phát cũng đang phát triển vòng đeo tay, vừa để đo thân nhiệt, vừa giúp truy vết nếu không may công nhân bị nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19.

Lãnh đạo Tân Hiệp Phát nhấn mạnh con người hiện tại là yếu tố then chốt. Nói đến con người là phải nói đến văn hóa doanh nghiệp, giá trị cốt lõi và các kỹ năng mới trong môi trường sống chung với đại dịch. 

"Đó là những bài toán mà chúng tôi đang phải giải hàng ngày để vừa thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn, vừa kiểm soát nhu cầu trung hạn và dài hạn", Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát khẳng định.

Xu hướng tiêu dùng sau dịch và lựa chọn của doanh nghiệp

Dựa trên phân tích của Ipsos về nền kinh tế, bà Trần Uyên Phương chỉ ra 4 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế: Nguồn sức mạnh "quen thuộc"; Bảo vệ xã hội hiện tại; Xã hội biến đổi tiêu cực; Trạng thái đổ vỡ, mong manh.

Tuy nhiên, Ipsos dự đoán rằng Việt Nam vào năm 2025 sẽ là một trong những kịch bản sau: Nguồn sức mạnh quen thuộc; Tiềm lực nội địa hoặc sự kết hợp của cả hai kịch bản trên.

"Chúng ta sẽ trở về như năm 2019, có một phần bị trì trệ nhưng vẫn phát triển và theo bước tiến tiếp tục của xã hội. Vẫn có sự căng thẳng về quan hệ quốc tế, không có hướng đi rõ ràng chắc chắn về các phương thức kinh doanh hoặc chính trị mới. Tập trung vào việc phát triển kinh tế hiện tại thay vì những đầu tư/hoạch định dài hạn cho tương lai. Tình trạng thất nghiệp/mất việc là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia có dân số trẻ.

Những người trẻ và cầu tiến có xu hướng bất mãn, những người lớn tuổi hơn sẽ cảm thấy hài lòng khi được quay lại trạng thái bình thường. Xã hội sẽ ít ổn định hơn so với trước đây", bà Phương chia sẻ về kịch bản "Nguồn sức mạnh quen thuộc".

Về kịch bản "Tiềm lực nội địa", bà Phương giải thích: "Nền kinh tế chậm phát triển/trì trệ, trọng tâm là những vấn đề trong nước. Chuỗi cung ứng bị hạn chế hơn, cơ cấu thị trường được thiết lập lại linh hoạt hơn và chủ yếu dựa vào tiềm lực trong nước. Sản phẩm nội địa phát triển.

Những sản phẩm mới phát triển theo hướng chú trọng sự đơn giản/cơ bản/thiết yếu. Không có tiến bộ về mặt toàn cầu hóa. Xuất hiện cơ hội cho những nhãn hàng mang tính chủ nghĩa dân tộc".

Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: Một doanh nghiệp không thể tồn tại khi các doanh nghiệp khác đóng cửa, mua sắm livestream có cơ hội phát triển nhanh hơn - Ảnh 2.

Phó TGĐ Tân Hiệp Phát dự đoán bán hàng livestream sẽ phát triển. (Ảnh: Zing News).

Dựa trên những kịch bản này, bà Phương đưa ra những dự đoán về xu hướng người tiêu dùng. "Người tiêu dùng tìm kiếm ý nghĩa trong mục đích thương hiệu, vượt ra ngoài các thuộc tính chức năng và hướng về đạo đức. Mức chi tiêu không đổi nhưng với khối lượng nhỏ hơn.

Ngành hàng thời trang, sản phẩm không có nguồn gốc nội địa đắt đỏ hơn. Các dịch vụ mới cung cấp các lựa chọn an toàn, không tiếp xúc sẽ phát triển. Thực phẩm chay tiếp tục phát triển. Những dịch vụ xa xỉ sẽ chuyển hướng sang cung cấp tại nhà. Đồng thời đó là sự phát triển của data/thuật toán, internet và các hình thức bán hàng online/software từ các nhãn hàng lớn", bà Phương nói

Bên cạnh đó, đối với phần tiêu dùng và lựa chọn nhãn hàng trong khoảng trống thị trường, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát nhận định: "Người tiêu dùng cần sản phẩm thiết yếu với giá thành thấp. Tình trạng nghèo đói tăng cao và tiếp diễn. Xu hướng tự nấu ăn, tự làm việc gia tăng.

Kinh doanh bán hàng là sân chơi của những nhãn hàng lớn, các nhà sản xuất hàng loạt với quy mô lớn và kinh doanh online/trực tuyến đang phát triển. Những công ty đang hoạt động tốt đã chuyển hướng sang một cách tiếp cận nhanh nhẹn và nhạy bén để đổi mới, đáp ứng nhu cầu địa phương, cung cấp nhiều loại dịch vụ hơn và xử lý các nguyên liệu thô hạn chế. Xu hướng tái chế và nâng cấp các sản phẩm cũng như cung cấp dịch vụ và trải nghiệm kỹ thuật số rẻ hơn cùng với các sản phẩm mới".

Do bị giảm thu nhập vì đại dịch nên người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu những sản phẩm không thiết yếu hoặc được xem là không tốt cho sức khỏe. Người tiêu dùng đồng thời mua hàng dựa trên giá trị, lợi ích sản phẩm đem lại.

Ngoài ra, bà Phương tin rằng người tiêu dùng vẫn trung thành với những nhãn hiệu hiện tại - những thương hiệu có đạo đức, chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ cho cộng đồng. Đồng thời cũng sẵn sàng thử sản phẩm/dịch vụ mới nếu sản phẩm đó đáp ứng nhu cầu của họ.

Quốc Anh