'Với GDP bình quân của Việt Nam, việc sử dụng xe 4 bánh cũng khó khăn chứ chưa nói đến sở hữu xe điện'
Tại hội thảo "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" do báo Giao thông tổ chức, trả lời câu hỏi của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia về những vấn đề của ngành sản xuất xe điện tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết hiện nay tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast đang tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện.
Ông Hùng đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có nên và bao giờ thì có thể chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện đối với phương tiện cơ giới đường bộ như một số quốc gia đang làm?
Ông Tuấn Anh cho biết có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam nhưng điều quan trọng phải kể đến là mức thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay.
"GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2020 ước xấp xỉ khoảng 3.000 USD. Do đó việc sử dụng xe ô tô 4 bánh thông thường cũng là điều khó khăn rồi chứ chưa nói đến việc sở hữu phương tiện có giá bán cao như xe điện.
Vì vậy, thời gian chuyển đổi xe ô tô thường sang xe điện cần phải xem xét kỹ, phù hợp với lộ trình phát triển của quy hoạch điện sạch, trạm sạc, vị trí đỗ xe cho xe điện", đại diện Bộ Công Thương trả lời.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc là nỗi lo của bất cứ nhà sản xuất xe điện nào trên thế giới. Hiện nay ở các nước phát triển có nhu cầu sử dụng xe điện cao, các trạm và nhà để xe ngoài trời tại các cơ quan, công sở hay trung tâm thương mại đều có xu hướng tích hợp hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch, đồng thời giảm sự tiêu thụ điện từ hệ thống điện.
Phạm vi hoạt động của xe điện bị hạn chế cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp xe điện hiện nay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó là cơ cấu nguồn điện gây ra tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện.
"Với ngành công nghiệp sản xuất ô tô, chúng ta có những ưu đãi khá rõ. Vậy đối với phân ngành sản xuất ô tô điện và xe máy điện thì chúng ta có cần thêm chính sách gì khác biệt và cụ thể hơn không?", chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi.
"Về các chính sách đối với xe điện, hiện nay cũng chỉ có chính sách ưu đãi thuế suất tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện và cũng chưa có chính sách cụ thể nào cho xe điện cả. Ngoài chính sách về thuế phí thì Bộ Công Thương cũng đã có thêm kiến nghị với Bộ Tài Chính.
Bộ Công Thương đề xuất áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường theo hai hướng sau: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) ở mức thấp nhất; Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ ở mức cao hơn so với xe BEV và FCEV và áp dụng theo lộ trình: giữ nguyên như hiện tại và tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEV và PHEV.
Ngoài các giải pháp về thuế, ông Phạm Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đề xuất thêm một số giải pháp như xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng nên có những chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư – đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ - cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn
Về phát triển xe điện, ông Phạm Tuấn Anh cho biết cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện, song song với phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…)
Ông Tuấn Anh nêu rõ: "Cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn".
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện và đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp xe điện cũng như tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về xe điện.
Hiện nay tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào ngoài Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đang tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện. Các dòng xe điện cũng chưa được phổ biến.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I năm 2021 là 600 xe, tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.