Mức sinh của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á
Thông tin được cơ quan thống kê nêu hôm 21/2. So với mức trung bình khu vực (2,0 con/phụ nữ), Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ).
Từ năm 1999 đến 2022, mức sinh của Việt Nam duy trì ổn định quanh mức sinh thay thế (2,1). Tuy nhiên, hai năm gần đây, mức sinh giảm nhanh, từ 1,96 con/phụ nữ năm 2023 xuống 1,91 con/phụ nữ năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế, theo Bộ Y tế.
Dù năm 2024 là năm Thìn, theo quan niệm phương Đông là năm thuận lợi để sinh con, nhưng kết quả này cho thấy quan niệm sinh đẻ đã thay đổi, không còn phụ thuộc vào yếu tố "năm đẹp". Đồng thời, các chính sách khuyến sinh hiện tại chưa đủ hiệu quả để ngăn đà giảm sinh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định.

Mức sinh tại Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng kinh tế - xã hội. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai khu vực có mức sinh thấp nhất, lần lượt đạt 1,48 và 1,62 con/phụ nữ. Trong khi đó, Trung du và miền núi phía Bắc (2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (2,24 con/phụ nữ) là những vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế.
TP HCM tiếp tục là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, trong khi Hà Giang dẫn đầu với mức sinh cao nhất, 2,69 con/phụ nữ. Số tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế cũng tăng nhanh, từ 22 tỉnh năm 2019 lên 32 tỉnh năm 2024, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại khu vực thành thị, mức sinh năm 2024 chỉ đạt 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn đáng kể so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Đáng chú ý, mức sinh ở nông thôn – vốn luôn cao hơn mức sinh thay thế – đã bắt đầu giảm mạnh trong hai năm qua, xuống dưới mức sinh thay thế.
Theo các chuyên gia, mức sinh thấp tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như áp lực công việc, khó khăn tài chính, ưu tiên phát triển sự nghiệp và thay đổi nhận thức xã hội. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ thường sinh nhiều con hơn do kết hôn sớm, ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, xu hướng giảm sinh ở nông thôn đang ngày càng rõ rệt.
Mức sinh thấp tác động sâu sắc đến cơ cấu dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, đẩy nhanh quá trình già hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô dân số. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ "sụp đổ dân số", gây tê liệt nền kinh tế.

Hai em bé chào đời dịp giao thừa năm 2025 tại Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh: Ngọc Ngân).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các chính sách mạnh mẽ để ngăn chặn đà giảm sinh. Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - đã tăng gấp ba lần ngân sách cho các chương trình khuyến sinh, đồng thời trợ cấp tài chính lớn cho các gia đình sinh con. Tại Hungary, phụ nữ sinh từ 4 con trở lên được miễn thuế thu nhập cá nhân suốt đời.
Trước thực trạng này, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần xây dựng các chính sách hỗ trợ thiết thực như giảm chi phí nuôi con, hỗ trợ nhà ở và thay đổi nhận thức xã hội.
"Việc sinh con cần được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước", ông Mai Xuân Phương, chuyên gia về dân số, nêu.