Tổng tỷ suất sinh tại Việt Nam tiếp tục giảm, TP HCM xuống dưới mức 1,4
Theo kết quả điều tra tính đến 0h ngày 1/4/2024, Việt Nam hiện có quy mô dân số 101,11 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 16 thế giới và thứ ba khu vực Đông Nam Á. Trong đó, có 50,35 triệu người (chiếm 49,8%) là nam giới và 50,77 triệu người (chiếm 50,2%) là nữ giới.
Những năm trước, tổng tỷ suất sinh (TFR) tại Việt Nam đạt trên 2 con/phụ nữ. Song, hai năm gần đây, mức sinh đã xuống dưới mức 2 con/phụ nữ. Năm 2024, tổng tỷ suất sinh là 1,91 con/phụ nữ, trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ.
Tỷ suất sinh giảm mạnh
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy mức sinh năm nay tại cả khu vực thành thị và nông thôn đều thấp hơn mức sinh thay thế. Cụ thể, tại khu vực thành thị, tổng tỷ suất sinh chỉ đạt 1,67 con/phụ nữ; tổng tỷ suất sinh tại khu vực nông thôn đạt 2,08 con/phụ nữ.
Tổng tỷ suất sinh cũng có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng. Hai khu vực đáng báo động là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, lần lượt rơi vào mức 1,48 con/phụ nữ và 1,62 con/phụ nữ. Các vùng trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế.
Xét theo các tỉnh, thành phố, TP HCM hiện là địa phương thuộc diện đáng báo động với tổng tỷ suất sinh giảm sâu, xuống mức 1,39 con/phụ nữ. Hà Tĩnh có mức sinh cao, đạt 2,69 con/phụ nữ.
Tỷ suất sinh thô (CBR) của Việt Nam năm 2024 là 13,5 trẻ sinh sống/1000 dân. Chỉ số này ở khu vực thành thị là 12,8 trẻ sinh sống/1000 người dân; ở khu vực nông thôn là 13,9 trẻ sinh sống/1000 người dân).
Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái, cao hơn khá nhiều so với mức cân bằng là khoảng 106 bé trai/100 bé gái.
Tổng cục Thống kê cho rằng đây là bằng chứng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài khá lâu ở Việt Nam và những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đồng thời, điều này cũng cho thấy việc thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.
Theo số liệu thống kê, tuổi kết hôn lần đầu trung bình tại Việt Nam cũng dần thay đổi, theo xu hướng kết hôn muộn hơn, từ 24,1 tuổi năm 1999 lên 25,2 tuổi năm 2019 và hiện tại là 27,3 tuổi. Trong đó, tuổi kết hôn trung bình lần đầu với nam giới năm 2024 là 29,4 và nữ giới là 25,2.
Tổng cục Thống kê cho biết thêm, xét cơ cấu dân số theo nhóm tuổi, chỉ số già hoá năm 2024 đã tăng 11,4 điểm phần trăm so với năm 2019, lên mức 60,2%.