|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cựu CEO Uber Việt Nam cảnh báo đứt gãy lao động sau dịch, khuyên doanh nghiệp nên nghĩ đến kịch bản phục hồi từ bây giờ

13:41 | 08/09/2021
Chia sẻ
Ông Đặng Việt Dũng, cựu CEO Uber Việt Nam và ZaloPay vấn đề nguồn lực sau dịch rất khó khăn, dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp.

Mới đây, FPT Telecom International đã phối hợp cùng Nano Technologies tổ chức hội thảo trực tuyến "Oxy cho doanh nghiệp mùa COVID". Tham dự chương trình có sự góp mặt của ông Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Nano Technologies. Trước đây, ông Dũng từng đảm nhận chức vụ CEO Uber Việt Nam, CEO ZaloPay, Cố vấn quản trị McKinsey. 

Trong sự kiện, ông Dũng đã có những chia sẻ về tình hình của các doanh nghiệp trong mùa dịch.

"Trong tình hình dịch bệnh, mọi doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Điều này không chỉ gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến nguồn lực trong các doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Theo ông, từ tháng 8/2020, tình trạng sử dụng lao động tại từng địa phương có sự khác biệt rõ ràng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sử dụng lao động ở mức bình thường là 100 điểm. Tại miền Bắc, chỉ số này ghi nhận mức tăng trưởng lên 101 điểm – 105 điểm, chứng tỏ việc sử dụng lao động không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chỉ số này giảm "thê thảm" tại các tỉnh miền Nam.

Ví dụ, chỉ số sử dụng lao động tại TP HCM trong tháng 8 chỉ bằng 44% cùng kỳ năm ngoái, cơ bản khoảng 60% không có việc làm. Một số tỉnh khác cũng ghi nhận mức thấp như Đồng Tháp 34%, Hậu Giang 58%,… Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp và xã hội, nhưng có sự phân bổ không đồng đều giữa các tỉnh/thành phố và các nhóm ngành nghề.

"Hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng. Rất nhiều nhà máy phải đóng cửa vì không thể duy trì ba tại chỗ. Vấn đề được đặt ra: Sau dịch sẽ làm thế nào?", ông Dũng cho biết. Đồng thời, ông lấy ví dụ cụ thể về những quốc gia đã trải qua đợt dịch 6-18 tháng và nhận định rằng vấn đề nguồn lực sau dịch rất khó khăn, dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp.

Cựu CEO Uber Việt Nam: Nhiều ngành không thể tìm lại nhân lực sau dịch, doanh nghiệp nên nghĩ đến các kịch bản phục hồi từ bây giờ - Ảnh 1.

Ông Đặng Việt Dũng tin rằng vấn đề nguồn nhân lực khó khăn sau đại dịch sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp. (Ảnh: Zing News).

Ngoài ra, cựu CEO Uber Việt Nam cho biết COVID-19 gây ra sự chuyển dịch lao động giữa các ngành. "Các ngành nghề dịch vụ như khách sạn, bán lẻ, F&B,… bị ảnh hưởng rất nhiều. Có nhiều ngành bị ảnh hưởng quá nặng. Đến khi chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính trong thời gian quá dài, họ sẽ không chịu được và phải rời khỏi thị trường", ông Dũng chia sẻ.

Ngược lại, một số ngành nghề khác lại tìm thấy cơ hội trong mùa dịch. Chẳng hạn, các kỹ sư công nghệ cấp cao trong những ngành như F&B, bán lẻ,… có thể chuyển qua làm ở những mảng khác.

"Đây là thời điểm để bổ sung nguồn lực chất lượng cho những doanh nghiệp có tình trạng tài chính tốt. Ngược lại, với những doanh nghiệp khác, điều quan trọng cần làm là đảm bảo tình trạng tài chính và dòng tiền ổn định, lo cho sức khỏe người lao động và lên kịch bản cho cuộc sống sau đại dịch", ông Dũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp.

Trong chương trình, ban tổ chức đã công bố số liệu về tình trạng của người lao động chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Trong năm 2020, khoảng 56,2% người lao động bị giảm thu nhập; 32,4% người lao động bị giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên; 11,4% người lao động bị tạm dừng sản xuất – kinh doanh. Chỉ riêng quý II, có tới 8,5 triệu người lao động bị giảm thu nhập; 557.000 người mất việc.

Cựu CEO Uber Việt Nam: Nhiều ngành không thể tìm lại nhân lực sau dịch, doanh nghiệp nên nghĩ đến các kịch bản phục hồi từ bây giờ - Ảnh 2.

Tình trạng việc làm của người lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh trong quý II. (Nguồn: Tập đoàn FPT).

Chứng kiến những con số này, cựu CEO Uber Việt Nam tỏ ra "choáng", cho biết chưa từng chứng kiến những gì được nêu. "Theo thống kê chính thức chỉ có khoảng 27 triệu người làm công ăn lương tại Việt Nam. Trong khi đó, cộng tất cả các con số đã nêu, có tới 17 triệu người lao động bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 60%", ông Dũng nhận định.

Ông Dũng đồng thời đề cập tới khái niệm "Succession planning" (kế hoạch kế nhiệm). Theo ông, Succession planning có nghĩa là duy trì đà của tổ chức trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, chưa ai đề cập tới khái niệm này ở góc độ "chưa phải lãnh đạo, quản lý" mà thường nhìn từ góc độ quản lý trở lên.

Tổng Giám đốc Nano Technologies lấy ví dụ về chính công ty của mình. "Công ty tôi có cơ hội phục vụ các nhóm ngành nghề khác, ví dụ như may mặc. Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra muốn doanh nghiệp tiếp tục sống, bắt buộc phải tạm cho lao động nghỉ. Điều này đúng là rất "đắng" nhưng chúng ta vẫn phải nuốt. 

Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi sau dịch sẽ khác nhau tùy từng ngành. Đối với lao động phổ thông, tỷ lệ này vẫn còn, nhưng với một số ngành đặc thù, việc tìm lại lao động rất tốn kém, thậm chí không thể tìm lại. Có những ngành nghề kể cả có tiền cũng chưa chắc xử lý được, đặc biệt liên quan đến xuất khẩu", ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, rõ ràng có những vấn đề cần cắt đi trong thời gian ngắn, nhưng các doanh nghiệp cần nghĩ tới việc làm thế nào để khôi phục lại sau dịch.

"Khi đứt chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp không thể sản xuất và xuất khẩu, có thể do vướng mắc ở khâu logistics, dẫn đến các đơn hàng không được hoàn thành. Khi đó, các đối tác có thể chuyển sang những đơn vị khác ở Việt Nam, dẫn đến doanh nghiệp mất cả chì lẫn chài. 

Lao động là tư liệu sản xuất quan trọng. Giả sử sau dịch chúng ta không đủ nguồn lực, với những doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính thì sớm hay muộn cũng phải thu nhỏ quy mô. Điều này còn tệ hơn việc chúng ta cố gắng trụ qua đợt dịch, nuôi đủ nguồn lực người lao động trong 1 – 2 tháng để sau đó có thể vừa phục hồi nhanh, vừa không bị lãng phí nguồn lực tư liệu sản xuất khác sau dịch", ông Dũng nhận định.

Câu hỏi quan trọng được đặt ra: Tình trạng này sẽ kéo dài khoảng bao lâu? Có nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề nếu không có doanh thu trong 1 – 2 tháng, nhưng có những đơn vị mất 6 tháng – 1 năm mới gặp khó. Câu hỏi này chỉ có những chủ doanh nghiệp mới có thể trả lời.

Quốc Anh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.