CEO Gigatum - Trần Hải Quang: 'Tôi mong tìm được cộng sự yêu công việc như tình đầu'
- Thưa ông, mong muốn tất cả nhân viên văn phòng của Uber Việt Nam về làm tại Gigatum, hẳn có điều gì của hãng này khiến ông đặc biệt ấn tượng?
Tôi thật sự ấn tượng với những gì Uber đã làm được tại Việt Nam. Đặc biệt nhất là sự liên kết giữa đối tác (tài xế) và khách hàng (người đi xe). Các giá trị của niềm tin, sự tôn trọng và tử tế trong giao tiếp đó rất gần với giá trị Gigatum xây dựng.
Tôi đã từng kết nối với một số bạn làm Uber qua kênh tuyển dụng” Linkedin, Headhunt... cách đây 8 tháng, nhưng chưa mời được các bạn tham gia. Nên khi hiểu rõ hơn giao dịch sáp nhập của Grab và Uber tôi thật sự mong những người đã xây nên Uber Việt Nam sẽ quan tâm nghiên cứu cơ hội hợp tác, cùng tôi phát triển Gigatum.
- Ông đã trải nghiệm và nhận được những giá trị gì từ Uber?
Tôi nhìn vào kết quả công việc của Uber, cụ thể là trải nghiệm của một khách đi xe. Năm 2015, Uber đã giúp tôi an tâm bán chiếc C200 để thêm tiền vào làm Clingme. Tôi dùng Uber không chỉ cho cá nhân, mà cho cả gia đình, cho vợ, mẹ hơn 3 năm nay, và 99% hài lòng. Qua nhiều cuộc nói chuyện với các bác tài, đặc biệt sau khi có thông tin sáp nhập, tôi cảm nhận rõ sự gắn bó, tình cảm của người lái xe với Uber. Việc Uber đào tạo họ, làm cho họ thấy được tin tưởng, tôn trọng nghề, tự hào về công việc là không hề đơn giản.
Doanh nhân Trần Hải Quang sinh năm 1981, sáng lập và điều hành Công ty Gigatum; Gigatum được xây dựng với mục tiêu thay đổi ngành bán lẻ bằng công nghệ thương mại trên thiết bị di động, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo và big data. Trung tâm của chiến lược là ứng dụng Clingme, giúp kết nối hàng triệu người dùng điện thoại với hơn 2 triệu cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Hiện nay, Clingme đã phục vụ hơn 500.000 khách hàng, với hơn 5.000 điểm có ưu đãi cashback (mua hàng được hoàn tiền) tại Hà Nội và TP HCM. |
Năm 2012, tôi có một startup là MOEX (chữ xe ôm viết ngược lại) cùng với dự định kết nối người lái xe với khách hàng. Sau 6 tháng, làm việc với hàng trăm lái xe, tôi hiểu thách thức là gì khi đưa cả ngàn con người vào quy củ, nề nếp, phục vụ khách hàng tận tâm, chu đáo. Uber Việt Nam làm được việc đó, đây là yếu tố quyết định thôi thúc tôi chân thành mời các bạn thử sức với Gigatum.
- Các nhân viên văn phòng của Uber Việt Nam, theo dự kiến của ông, sẽ đóng góp cụ thể được gì tại Gigatum nếu họ chịu về làm, thưa ông?
Gigatum thiếu nhất hiện nay là Tiếp thị và Vận hành. Mô hình kinh doanh của Gigatum giống Uber ở chỗ là cùng phát triển nền tảng (platform), tức là kết nối người mua (người đi xe) với người bán (tài xế), doanh thu Ứng dụng Clingme cũng như Uber là chia sẻ doanh thu với đối tác (người bán). Thêm nữa, điểm mấu chốt cho thành công của Uber và Gigatum là làm cho khách hàng (người tiêu dùng cuối) hài lòng, phục vụ số đông. Team Uber Việt Nam làm tốt hai mảng này. Thứ nhất, tạo được một thương hiệu Uber mạnh, được yêu quý (rất khác hình ảnh Uber tại Mỹ, hay một số nước khác). Thứ hai, vận hành trơn tru hàng ngàn chuyến đi mỗi ngày, xử lý rất tốt các vấn đề xảy ra như sai cước, nhầm chặng đường, mất đồ… Về với Gigatum, các bạn sẽ được làm những việc thách thức tương tự, thậm chí còn thách thức hơn. Do khách hàng đến với ứng dụng Clingme có nhiều nhu cầu đa dạng, từ ăn uống, tới mua sắm, di chơi… chứ không chỉ là dịch vụ di chuyển như Uber.
- Khao khát có được đội ngũ nhân viên có những phẩm chất nổi trội vừa nêu, có phải công ty ông đang thiếu những nhân sự như vậy?
Hiện nay bên tôi có 80 nhân sự, 65% mới tham gia công ty chưa tới 12 tháng, công việc cần triển khai rất nhiều. 2018 là năm bản lề của Gigatum, phải chạy nước rút, những con người hiện tại của Gigatum rất tuyệt vời, đầy đam mê máu lửa. Họ cùng đến với Gigatum từ nhiều tập đoàn lớn, và khi về với Gigatum không ít vị trí chủ chốt sẵn sàng nhận lương bằng một nửa mức trước đó để có thêm cổ phần, nhưng chưa đủ về số lượng.
- Có vẻ như Gigatum gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự, thưa ông?
Thực tế, vị trí Giám đốc Marketing, Gigatum đã tuyển 6 tháng nay chưa được, gần nhất có 130 bạn nộp đơn, Việt Nam có, người nước ngoài có, nhân sự làm marketing hơn 10 năm với nhãn hàng tiêu dùng lớn có, làm công nghệ có, nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được người phù hợp.
- Vì sao tuyển dụng những vị trí này lại khó đến vậy, thưa ông?
Tôi thấy khó, vì mình đã thử nhiều kênh tuyển dụng, như: Headhunt, Linkedin, lọc hồ sơ ứng viên, đăng tuyển… đều chưa tìm đủ người.
Một nguyên nhân quan trọng là lĩnh vực Gigatum phát triển: thương mại điện tử, mô hình kinh doanh từ kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế (O2O) quá mới ở Việt Nam, không có nhân sự có kinh nghiệm trong ngành, mà chỉ có nhân sự có kỹ năng tương đương.
Những nhân sự bên tôi mong muốn, ngoài tài năng thì cần có đam mê và tinh thần start-up, tức là không ngại khó, không bao giờ nói “không thể”, và có ý thức rõ thành công theo team sẽ rực rỡ hơn nhiều thành công cá nhân.
Những nhân sự như vậy khi về với startup thật sự là một thách thức, đánh đổi lớn, vì họ phải ra ngoài “vùng an toàn” (comfort zone), bỏ lại nhiều lợi ích ngắn hạn.
Tôi tin sau một thời gian nữa, khi có nhiều người làm start-up thành công, thì con đường đến với startup sẽ bớt rủi ro, và nhiều người sẽ tự tin hơn tham gia. Giống như bên Thung lũng Silicon (Silicon Valley), những người làm start-up đều là những người rất xuất sắc ở các công ty lớn, làm việc cho startup là cơ hội rất nhiều tài năng tìm kiếm.
- Đâu là những phẩm chất mà ông cho là cần phải có của một nhân sự giỏi?
Việt Nam mình hay nói là có tài và có tâm. Tài ở đây là năng lực chuyên môn. Tâm ở đây là tinh thần chiến đấu, là khát khao cháy bỏng tạo ra những giá trị mới, không chấp nhận thực tại, mà luôn vượt lên tất cả để đạt hiệu quả. Nói gọn lại, tôi mong tìm được các cộng sự đam mê, yêu công việc như mối tình đầu, năng lực chuyên môn tốt như người đã có 10 năm hạnh phúc trong hôn nhân, và tinh thần đồng đội của một đội bóng có 3 năm thi đấu cùng nhau.
- Ngoài các nhân viên văn phòng, những tài xế Uber Việt Nam nếu muốn ứng tuyển vào Gigatum thì ông sẽ xử lý thế nào?
Mô hình kinh doanh của Gigatum cũng cần một mảnh ghép là mảng “last mile logistics” (công đoạn cuối trong chuỗi logistic), chính là mô hình MOEX mình xây dựng ngày trước. Nhưng rất tiếc hiện nay, tôi chưa có đủ cộng sự để làm lại mảng này. Nếu tìm được người phù hợp, tôi sẵn sàng hợp tác với những bác tài đáng yêu chạy Uber trước đây. Tôi tin, Uber ra đi, nhưng tinh thần làm việc phục vụ khách hàng sẽ ở lại, các bác tài giữ được tinh thần đó trong công việc tiếp theo, chắc chắn các bác sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông!