|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nông nghiệp công nghệ cao (High Technology Farming) là gì?

18:05 | 18/11/2019
Chia sẻ
Nông nghiệp công nghệ cao (tiếng Anh: High Technology Farming) là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.
Agriculture-Technology-Market-1024x536

Hình minh hoạ (Nguồn: techgenez)

Nông nghiệp công nghệ cao

Khái niệm

Nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tiếng Anh được gọi là High Technology Farming hay High-tech farming.

- Theo Luật Công nghệ Cao (2008)

Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.

Tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hoá ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

- Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

- Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: 

Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Tiêu chí 

Một số tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được đưa ra như:

- Tiêu chí kĩ thuật: Là có trình độ công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng;

- Tiêu chí kinh tế: Là sản phẩm do ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng, ngoài ra còn có các tiêu chí xã hội, môi trường khác đi kèm.

- Nếu là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải tạo ra sản phẩm tốt, năng suất hiệu quả tăng ít nhất gấp 2 lần.

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (được hiểu là nơi sản xuất tập trung một hoặc một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ hoặc một số khâu) có năng suất và hiệu quả tăng ít nhất 30%. 

Lợi ích

- Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

- Nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu do đó quy mô sản xuất được mở rộng.

- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Thách thức

Thứ nhất, phải có cơ chế ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, hạ tầng, tín dụng... Thậm chí, có thể ban hành những chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trong một thời gian nhất định.

Thứ hai, phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Đầu tư về khoa học - công nghệ cho nông nghiệp hiện rất thấp (năm 2015 khoảng 0.3% GDP; năm 2020 ước đạt 0,5% GDP).

Thứ ba, phải ban hành qui chuẩn kĩ thuật và chứng nhận về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhãn mác sản phẩm phải ghi đầy đủ xuất xứ nguyên liệu đầu vào.

Một khi qui định về nhãn mác hàng hóa không còn nhập nhèm, sản phẩm công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp mới dám bỏ vốn đầu tư.

Thứ tư, cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp đứng ra đào tạo trực tiếp thì phải có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, đồng thời có chính sách đi kèm để giải quyết lao động dư thừa.

(Tài liệu tham khảo: Tin nông nghiệp. aggrotech. ĐH Nông Lâm, Đại học Huế)

Diệu Nhi