|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nikkei: Chủ tịch Grab lạc quan về triển vọng của kì lân tỉ USD dù không cần gọi vốn thêm

16:53 | 23/01/2020
Chia sẻ
Mặc dù thị trường ngày càng hoài nghi về các "kì lân" tỉ USD, Chủ tịch ứng dụng gọi xe Grab đang rất lạc quan về triển vọng phát triển bền vững của công ty.
Nikkei: Chủ tịch Grab lạc quan về triển vọng của kì lân tỉ USD dù không cần gọi vốn thêm - Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại cùng tờ Nikkei Asian Review, Chủ tịch Ming Maa của Grab bày tỏ thái độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của siêu ứng dụng này.

"Chúng tôi chắc chắn không cần phải huy động thêm vốn để tạo ra một doanh nghiệp bền vững", Chủ tịch Ming Maa của kì lân gọi xe Grab chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review.

Grab là một trong các kì lân có giá trị nhất khu vực Đông Nam Á với mức định giá ước tính khoảng 14 tỉ USD.

Theo Nikkei, Grab đã huy động được một lượng tiền mặt lớn từ các công ty đầu tư mạo hiểm, trong đó có quĩ Vision Fund của SoftBank và hai hãng chế tạo xe hơi Nhật Bản là Toyota Motor và Honda Motor.

Từ SoftBank Group, ông Maa gia nhập và trở thành Chủ tịch của Grab vào năm 2016 để dẫn dắt chiến lược hợp tác và phát triển kinh doanh của công ty.

"Thực chất, chúng tôi có thu được lợi nhuận ở một số thị trường trọng điểm", ông Maa cho hay. "Chúng tôi hiện đang rất an tâm với bảng cân đối kế toán của công ty. Dù không có nguồn vốn bổ sung, chúng tôi vẫn có một hướng đi rõ ràng để hoạt động kinh doanh bền vững hơn", Chủ tịch Grab nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Maa cho biết Grab vẫn cần nguồn vốn đầu tư bổ sung.

Cụ thể, ông nói: "Có rất nhiều nhà đầu tư thú vị quan tâm đến việc tiếp cận thị trường Đông Nam Á thông quan hợp tác với Grab, vì vậy chúng tôi luôn đánh giá từng trường hợp.

Sau cùng, nếu có một mối quan hệ hợp tác mà chúng tôi tin sẽ tạo ra nhiều giá trị cho cả khách hàng và đối tác, chúng tôi sẽ cân nhắc".

Đến nay, thị trường đã có một cái nhìn khắt khe hơn với các kì lân tỉ USD. Năm ngoái, The We Company, chủ sở hữu của công ty chia sẻ văn phòng WeWork, đã rơi vào cảnh khó khăn về mặt tài chính sau khi "kì lân gãy sừng" WeWork bị buộc phải dừng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong khi đó, giá cổ phiếu của hai ứng dụng đặt xe Uber và Lyft cũng chưa khá khẩm hơn.

Grab đã và đang thu hút khách hàng ở khu vực Đông Nam Á bằng cách phát triển một "siêu ứng dụng" cho phép người dùng truy cập nhiều dịch vụ gồm đặt xe, giao đồ ăn và thanh toán trực tuyến chỉ qua một ứng dụng duy nhất.

Grab cũng đã chuyển sang nhiều hoạt động kinh doanh mới trong những năm gần đây. Cuối năm ngoái, Grab vừa xin cấp giấy phép ngân hàng số cùng với Singapore Telecommunications, công ty viễn thông lớn nhất quốc đảo sư tử.

"Khách hàng và các doanh nghiệp nhỏ chưa thể tiếp cận dịch vụ tài chính với cùng một mức độ minh bạch, đơn giản và tiết kiệm chi phí, và đó chính là cơ hội mà Grab nhận thấy", ông Maa chia sẻ.

Về quan hệ hợp tác với các công ty Nhật Bản, Chủ tịch Maa cho biết Grab đã bắt tay với Toyota để giảm chi phí bảo trì thông qua sử dụng dữ liệu và đã ra mắt thí điểm dịch vụ xe máy điện với Honda ở Indonesia. Grab còn làm việc với SoftBank để quảng bá xe điện và các thành phố thông minh.

Yên Khê