|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những tình huống 'tưởng dữ hóa may' trong kinh doanh

08:37 | 09/04/2019
Chia sẻ
Doanh thu giảm đột ngột, nhân sự chủ chốt thôi việc, khách hàng không thanh toán là những tình huống tưởng chừng nguy hiểm, nhưng lại có thể mang tới vận mnay cho doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp nhỏ luôn phải vượt qua vô số thách thức để tồn tại và phát triển, từ những vấn đề nhân sự tới sản xuất sản phẩm thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng. Rất nhiều trở ngại dường như không thể vượt qua, đặc biệt nếu chúng xuất hiện bất ngờ và doanh nhân hầu như không có kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý chúng.

Những tình huống tưởng dữ hóa may trong kinh doanh - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhỏ

Mặc dù vậy, một số thách thức có thể trở thành cơ hội kiểu "trong họa có phước". Một số doanh nhân đã chia sẻ những tình huống gay cấn nhất mà họ từng trải qua và cách thức họ tìm ra những yếu tố tích cực trong hiểm họa để cứu công ty và thúc đẩy tăng trưởng.

Doanh thu giảm đột ngột

"Trong những tháng đầu trong hành trình khởi nghiệp, vào một buổi sáng, tôi phát hiện ra rằng doanh thu từ bánh, kẹo của công ty giảm gần 50%. Đó là nguồn thu chính của chúng tôi hồi ấy. Vì thế mà chúng tôi cảm thấy hoảng", Triệu Thị Ngát, phó giám đốc một công ty phân phối thực phẩm, kể. 

Thay vì hoảng loạn, ban lãnh đạo của công ty cố gắng giữ bình tĩnh và họp khẩn để tìm ra giải pháp. "Chúng tôi kết luận rằng công ty phải tìm nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mới. Vài ngày sau, chúng tôi tìm ra một đối tác phù hợp. Họ yêu cầu hưởng thù lao theo phần trăm doanh số của công ty và chúng tôi đồng ý. Trong tháng tiếp theo, doanh số của chúng tôi tăng gấp đôi so với giai đoạn tiền khủng hoảng", Ngát nói.

Yêu cầu phi lý của nhân viên

Đôi khi, thách thức đối với doanh nghiệp lại nảy sinh từ bên trong. Khuất Minh Vượng, phó giám đốc một công ty vệ sinh công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, kể rằng hai năm trước, trưởng phòng vận hành dịch vụ của công ty đưa ra một yêu cầu phi lý khiến anh phải quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người đó.

Lúc đầu Vượng và ban lãnh đạo công ty rất lo lắng vì trưởng phòng vận hành dịch vụ là vị trí rất đặc thù, không dễ tìm người thay thế hay đào tạo một người để nắm vững công việc.

Những tình huống tưởng dữ hóa may trong kinh doanh - Ảnh 2.

Sự ra đi của các nhân sự chủ chốt có thể đẩy nhiều công ty vào tình thế hỗn loạn. Ảnh: CBS

"Song khó khăn ấy buộc chúng tôi phải thay đổi tư duy về quy trình vận hành dịch vụ, khiến nó trở nên đơn giản hơn để bất kỳ ai cũng có thể quản lý. Sau khi thay đổi quy trình, công ty chứng kiến đà tăng trưởng nhanh nhất về doanh thu và khách hàng", Vượng kể.

Bài học mà Vượng rút ra là chủ doanh nghiệp không nên để sự ra đi của một số nhân sự chủ chốt đẩy công ty vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Theo anh, khi một nhân sự quan trọng thôi việc, chủ doanh nghiệp nên đơn giản hóa những công việc, quy trình liên quan tới vị trí đó.

Phụ thuộc vào khách hàng lớn

Mất một khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn, luôn là thảm họa đối với mọi doanh nghiệp. Sự mất mát ấy càng lớn nếu khách hàng mang tới phần lớn doanh thu. Chu Thế Luận, giám đốc một công ty quảng cáo trực tuyến, kể rằng 3 năm trước, một công ty bất động sản mang tới hơn 80% doanh thu cho công ty.

"Khi công ty bất động sản ngừng sử dụng dịch vụ của chúng tôi vì họ có đội ngũ chạy quảng cáo riêng, chúng tôi rơi vào tình thế chao đảo", Luận thừa nhận.

Nhưng chỉ sau 3 tháng, Luận cùng các cộng sự cố gắng tìm thêm nhiều khách hàng mới và thành công. Anh nhận ra rằng, vì quá tự tin vào quan hệ với công ty bất động sản kia, anh trở nên "lười" tìm những khách hàng khác, đặc biệt là khách hàng nhỏ.

"Hiện nay, không khách hàng nào chiếm tới hơn 15% doanh thu của công ty và 95% doanh thu tới từ khách hàng cũ. Tôi nhận ra rằng có nhiều khách hàng nhỏ là yếu tố duy trì sự ổn định tốt hơn so với việc chỉ có vài khách hàng lớn", Luận nhận định.

Khách hàng không thanh toán

Khách hàng lớn ngừng hợp tác đã là khó khăn, nhưng khách hàng không thanh toán sau khi đã sử dụng sản phẩm hay dịch vụ còn gây cảm giác bức xúc hơn nhiều. 

"Tôi từng vừa ngạc nhiên, vừa tức giận khi khách hàng đầu tiên của tôi không thanh toán. Chúng tôi đã cung cấp dịch vụ và họ phớt lờ khâu trả tiền", La Thế Duy, trưởng phòng kinh doanh của một công ty dịch thuật ở Hà Nội, kể.

Trải nghiệm đó trở thành vũ khí sắc bén để bảo vệ công ty trước những khách hàng có ý đồ xấu.

"Hóa ra cú lừa đầu tiên trở thành điều tốt đối với chúng tôi, bởi nhờ nó mà chúng tôi soạn thảo chính sách thanh toán chặt chẽ ngay từ đầu để đảm bảo rằng công ty sẽ không bao giờ rơi vào tình huống tương tự", Duy nói.

Nhạc Dương