|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu

16:59 | 19/12/2024
Chia sẻ
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 khi chỉ tăng 0,9%.

Đóng góp chính vào tăng trưởng IIP 11 tháng là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 9,7%, làm tăng 8,5 điểm %vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm %; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm % trong mức tăng chung.

So với cùng kỳ năm trước, Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm 2024 tăng ở 60 địa phương và giảm ở ba địa phương trên cả nước.

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng tăng cao[1]. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất trong 11 tháng đầu năm 2024. (Hạ An tổng hợp từ TCTK).

Vượt Lai Châu, Phú Thọ dẫn đầu về tăng trưởng IIP

Trong đó, Phú Thọ vượt Lai Châu trở thành địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trên cả nước. Nguyên nhân là do trong tháng 11, IIP của Lai Châu giảm tới35,17% so với tháng trước, trong khi đó Phú Thọ vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Luỹ kế 11 tháng đầu năm, Phú Thọ tăng trưởng IIP đạt 40,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng tới 42,1%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 24,4%.

Phú Thọ cũng là địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2024 tăng cao nhất cả nước so với cùng kỳ năm ngooái cùng với Lai Châu tăng 39,9%; Bắc Giang tăng 28,3%; Quảng Nam tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 19,3%.

Lai Châu đứng thứ hai, tăng 39%

Tháng 11 thời tiết trên địa bàn tỉnh Lai Châu bước vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu như đá, cát sỏi, xi măng cho xây dựng tăng. Tuy nhiên thời tiết mưa ít gây khó khăn cho ngành sản xuất điện.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giảm do hoạt động sản xuất sản phẩm chè (trà) nguyên chất (như: Chè (trà) xanh, chè (trà) đen) bị giảm sâu, thời gian này chè bước vào giai đoạn ngủ mù sinh lý nên sản lượng chè giảm mạnh. Do đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước giảm 35,17% so với tháng trước và tăng 27,14% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 11 tháng, IIP Lai Châu ước tăng 39,03% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng 39,58%, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất thuỷ điện.

Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 39,94% chủ yếu là do hoạt động sản xuất xi măng Portland đen có sản lượng tăng 2.213,46% đã tác động trực tiếp và chủ yếu đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh; ngành khai khoáng tăng nhẹ, tăng 0,27% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,88% so với cùng kỳ. 

Trà Vinh xếp thứ ba tăng 36,5%

Đứng thứ ba trên cả nước về tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp là Trà Vinh đạt 36,49% trong 11 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 38.304 tỷ đồng.

Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 8,95%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,56%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước nóng, hơi nóng tăng 28,95%, công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,13%.

Khánh Hoà đứng thứ 4, tăng 29,9%

Tương tự như Lai Châu, trong 11 tháng đầu năm nay, Khánh Hoà cũng tăng trưởng IIP nhờ hoạt động sản xuất điện. Trong đó, ngành điện, khí đốt, nước nóng của Khánh Hoà tăng trưởng đến 2,48 lần, là lĩnh vực đóng góp chính trong tăng trưởng công nghiệp toàn tỉnh.

Các lĩnh vực cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,69%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp 0,29%; riêng ngành khai khoáng giảm 28,31%.

Sơn La tăng 27,8% đứng thứ 5

Trong 11 tháng đầu năm IIP của Sơn La tăng 27,77%, trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm 15,34%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,79%; ngành sản xuất và phân phối điện, khi đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 36,37%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,85%.

Sơn La là một trong số các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao trong 11 tháng đầu năm với mức tăng 36,4% chỉ xếp sau 5 địa phương đứng đầu là: Khánh Hòa tăng 148,5%; Điện Biên tăng 51,4%; Cao Bằng tăng 49,8%; Trà Vinh tăng 46,5%; Lai Châu tăng 39,6%.

Bắc Giang xếp thứ 6, tăng 27,7%

Là một trong những "thủ phủ sản xuất công nghiệp" phía Bắc, trong 11 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang duy trì mức tăng trưởng cao, với chỉ số sản xuất công nghiệp  (IIP) tháng 11 ước tăng 2,13% so với tháng 10 và tăng 29,78% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân IIP tháng 11 của Bắc Giang giữ "phong độ" tốt nhờ sản xuất của các doanh nghiệp FDI  quy mô lớn tiếp tục tăng trưởng, như: Công ty Luxshare ICT, Tập đoàn Hồng Hải, công ty Fuyu,… một số công ty mới đi vào hoạt động như Fukang, Hana-crovina cũng gia tăng công suất, đạt sản lượng cao.

Bình quân 11 tháng, IIP Bắc Giang ước tăng 27,73% so với cùng kỳ năm trước, với cả 4 ngành công nghiệp cấp I đều tăng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu với mức tăng 28,26%.

Điện Biên tăng 21,5% đứng ở vị trí thứ 7

IIP tháng 11 năm 2024 ước tính giảm 11,42% so với tháng trước và tăng 16,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 17,6%  và tăng 11,68%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,05% và tăng 3,35% ; sản xuất và phân phối điện giảm 39,46%  và tăng 56,82% ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,33% và tăng 1,08%.

Tính chung mười một tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 21,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,73%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 51,43% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,78%. 

Cao Bằng tăng 19,9% đứng thứ 8

Trong 11 tháng đầu năm nay, Cao Bằng bất ngờ lọt top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước với mức tăng 19,9%.

Nguyên nhân chủ yếu là chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện của Cao Bằng 11 tháng đầu năm tăng tới 49,8%, đứng thứ ba cả nước, chỉ xếp sau Khánh Hòa và Điện Biên.

Thanh Hoá tăng 19,2% đứng thứ 9

Trong 11 tháng đầu năm, ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng cao là nguyên nhân giúp chỉ số IIP của Thanh Hoá tăng 19,2% so với cùng kỳ. Đây cũng là địa phương đứng thứ 9 trong số 10 tỉnh, thành tăng trưởng IIP cao nhất cả nước.

Thanh Hoá cũng là một trong 5 địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, gồm: Phú Thọ tăng 42,1%; Lai Châu tăng 39,9%; Bắc Giang tăng 28,3%; Quảng Nam tăng 20,7%; Thanh Hóa tăng 19,3.

Quảng Nam đạt 18,6% đứng thứ 10

Tương tự như Thanh Hoá, IIP của Quảng Nam tăng cao đến 18,6% trong 11 tháng đầu năm nhờ đóng góp chính của ngành chế biến chế tạo với mức tăng 20,7%.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 11,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5%; ngành sản xuất cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 8,7%.

Hạ An

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.