|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi lo của chủ doanh nghiệp đối với những nhân viên tham vọng

15:51 | 28/03/2019
Chia sẻ
Người khởi nghiệp luôn muốn tuyển những cộng sự có tham vọng để cùng phát triển công ty, song cũng cần biết cách xử lí những hành vi không phù hợp của họ.

Văn hóa doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường luôn đề cao tham vọng. Mọi người đều muốn vươn tới những tầm cao mới, phát huy hết khả năng và liên tục thách thức bản thân. Những người thành công lớn luôn có tham vọng cao.

Mặc dù vậy, một số người lại coi tham vọng là một hình thức của sự tham lam, hay là bộ mặt giả tạo của lòng tham. Đó là nỗi lo của chủ doanh nghiệp.

"Khi ai đó theo nuôi dưỡng tham vọng mà họ thực sự không cần hoặc không xứng đáng hưởng, tham vọng đó không tạo ra lợi ích cho xã hội, mà chỉ phục vụ sự ích kỷ cá nhân. Một số người có hoài bão lớn sẽ quên việc quan tâm tới người khác, thậm chí quên chính cả những nhu cầu thiết yếu của bản thân họ", Lê Anh Xuân, giám đốc công ty bảo mật 689 Cloud, bình luận.

Nhân viên tham vọng mưu đồ thâu tóm mối quan hệ, nguồn lực của công ty để lập nghiệp 

Hồ Mỹ Hạnh, phó giám đốc một công ty may gia công ở Hà Nội, từng khốn đốn vì một nhân viên kinh doanh có tài lập công ty riêng. Trong thời kỳ làm việc với Hạnh, anh này từng phụ trách quan hệ khách hàng và mua nguyên liệu. Khi rời công ty, anh chàng mang theo toàn bộ dữ liệu khách hàng và các đầu mối nguyên liệu. Ngay lập tức, công ty của anh ta có doanh thu và lợi nhuận ổn định, trong khi Hạnh phải quay trở về mốc số không để tìm khách hàng. Sau vụ đó, cô rất thận trọng với những nhân viên tỏ ra tham vọng.

"Nếu cảm thấy một nhân viên chủ chốt có mưu đồ lớn, tôi sẽ chia bớt phần việc của người đó cho một người nữa để phòng ngừa rủi ro", Hạnh tiết lộ.

"Đó là vấn đề nhức đầu của nhiều chủ doanh nghiệp", Nguyễn Thị Lệ bình luận như vậy về tình trạng nhân viên, đối tác lấy quan hệ với khách hàng của công ty để lập doanh nghiệp riêng. Chị Lệ là giám đốc, công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục & Thương mại Dịch vụ y tế Hạnh Phúc, hợp tác với Bệnh viện Mắt Việt Nhật cùng thực hiện dự án "Mắt sáng Việt Nam".

Lệ kể rằng mới đây, một đại lý của chị tách ra để làm riêng, rồi lôi kéo người của chị làm cùng bằng những chính sách hấp dẫn.

"Bạn ấy vẫn liên hệ với tôi để nhờ tôi giúp đỡ khi gặp khó khăn. Điều lạ lùng là bạn ấy muốn tôi giúp đỡ không công", chị Lệ thổ lộ.

Nữ giám đốc trả lời rằng đại lý không nên xâm phạm địa bàn và nhân sự của chị, và chị cũng không giúp đỡ.

"Nếu bạn ấy vẫn tiếp tục tìm cách tác động tới hoạt động kinh doanh và nhân viên của tôi, đương nhiên tôi sẽ phải có biện pháp để tự vệ", chị nhận định.

Quy tắc ứng xử khi làm việc và thôi việc là nội dung mà chị Lệ sẽ đưa vào chương trình giáo dục đạo đức cho nhân viên của chị trong thời gian tới.

"Bản thân tôi không phản đối việc nhân viên thành lập công ty để tự kinh doanh. Song tôi không đồng tình nếu họ xâm phạm quyền lợi của công ty cũ, hoặc lợi dụng các nguồn lực của công ty cũ để trục lợi cá nhân", Lệ nói.

Nỗi lo của chủ doanh nghiệp đối với những nhân viên tham vọng - Ảnh 1.

Vì quá tham vọng, một số người sẽ không quan tâm tới đồng nghiệp, mà chỉ vun vén cho bản thân. Ảnh: INC

Nguy cơ mất nhân tài của chủ doanh nghiệp

Anh Xuân nhận định người tham vọng thường có "danh sách việc cần làm" và họ luôn ám ảnh với việc đánh dấu những việc đã xong. Tuy nhiên, theo anh, danh sách việc cần làm không phải là chiếc đũa thần để chúng ta chạm tới thành công.

"Đôi khi danh sách việc cần làm khiến năng suất của người lao động giảm. Chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu phi thực tế, quên những kỳ nghỉ và nổi giận với bản thân vì không đạt mục tiêu. Vì thế, các chủ doanh nghiệp nên khuyên những nhân viên tham vọng không dựa vào danh sách việc cần làm", anh bình luận.

Giám đốc điều hành công ty 689 Cloud nhấn mạnh mục tiêu là thứ cần thiết trong kinh doanh, bởi nó giúp chúng ta định hướng và tập trung nguồn lực cho những việc cụ thể. Nhưng nếu mục tiêu quá viển vông, nó sẽ tạo nên áp lực tai hại đối với người lao động.

"Ví dụ, một nhân viên kinh doanh đạt doanh số 200 triệu trong tháng trước và anh ta tự đặt ra mục tiêu đạt doanh số 800 triệu trong tháng này. Đó có thể là một mục tiêu phi thực tế. Tôi nghĩ anh ta chỉ nên đặt mục tiêu gấp đôi doanh số", anh Xuân nói.

Điều khiến anh Xuân lo ngại là nhiều nhân sự có thể cảm thấy thất vọng về bản thân và rời công ty nếu họ không đạt mục tiêu bất khả thi mà họ đề ra. 

"Vì thế, khi nhân viên không đạt mục tiêu, người quản lí cần động viên kịp thời để họ không nghĩ tới chuyện bỏ việc hay từ chức", anh Xuân bình luận.

Làm giảm khả năng đạt mục tiêu của công ty

Lương Thu Hường, trưởng phòng kinh doanh công ty thương mại Lâm Việt, nhận định những người có tham vọng viển vông thường thực hiện những hành vi không hợp lý. 

"Người tham vọng lớn luôn quên hiện tại và chỉ hướng về tương lai. Họ luôn cố gắng cải tiến, nâng cao thành tích và không tận hưởng những niềm vui hiện tại. Nhiều khi họ không tích cực tham gia các hoạt động tập thể của công ty khiến mối quan hệ giữa họ với đồng nghiệp trở nên rời rạc, gây tác động xấu tới tinh thần làm việc nhóm", Yến giải thích.

Nỗi lo của chủ doanh nghiệp đối với những nhân viên tham vọng - Ảnh 2.

Người tham vọng dễ rơi vào trạng thái thất vọng khi họ không đạt mục tiêu. Ảnh: jknewspoint.com

Ngoài ra, theo Hường, vì luôn nghĩ tới những mục tiêu lớn và thành công vĩ đại, những nhân viên tham vọng không chú ý tới những thắng lợi nhỏ hay những khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi. Do đó, người quản lý nên giúp họ nhìn ra những thành tựu mà họ đã đạt, cũng như chặng đường mà họ đã trải qua trong hành trình tới mục tiêu.

Phùng Hương, giám đốc công ty Kingchain Media, thừa nhận ranh giới giữa tự tin và tự kiêu rất mong manh. Tham vọng có thể biến một người tự tin thành kẻ tham lam và tự đại - những tố chất tiêu cực, và chúng có thể cản trở chúng ta đạt mục tiêu. 

"Song nếu người tham vọng hiểu rõ giá trị bản thân và lắng nghe người khác, họ có thể đạt mục tiêu và trở nên khiêm tốn", Hương thổ lộ.

Quan điểm của Hương là người quản lí nên thường xuyên trò chuyện với nhân viên tham vọng để hiểu rõ tâm tư và những biến động tâm lí của họ.

"Một mặt, người quản lí cần khuyến khích nhân viên đề ra những mục tiêu đủ lớn, nhưng mặt khác, người quản lí phải nhắc nhở họ mỗi khi họ có xu hướng tham lam và tự đại. Việc này đòi hỏi sự tinh tế của người quản lí", Hương phát biểu.

Bản thân Hương luôn khuyên nhân viên rằng, nếu để tham vọng lấn át tâm trí, họ sẽ không bao giờ hài lòng. Họ sẽ luôn hướng về mục tiêu mới, như thăng chức, tăng lương hay mua xe hơi. 

"Tôi luôn cảnh báo họ rằng sự tập trung vào niềm vui ở tương lai sẽ khiến họ không thể tận hưởng những thứ mà họ có ở hiện tại", Hương kể.

Hương nhấn mạnh rằng tham vọng không phải thứ xấu, bởi nhận thức tiềm năng bản thân, nỗ lực phát triển bản thân và tự trau dồi kiến thức là nhu cầu cơ bản của con người. 

"Với nhân viên quá tham vọng, chủ doanh nghiệp nên sẵn sàng nắm bắt tâm tư của họ, hoặc thực hiện những giải pháp ngăn chặn họ gây hại cho công ty. Song khi họ muốn ra đi, có lẽ chúng ta không nên cố níu giữ họ", Hương nói.

'Để nhân viên phát huy khả năng sáng tạo, chủ doanh nghiệp chớ ngại giao họ những dự án khó' Lợi ích bất ngờ khi chủ doanh nghiệp có kịch bản rời khỏi công tyLợi ích bất ngờ khi chủ doanh nghiệp có kịch bản rời khỏi công ty Hãm đà tăng trưởng nóng: Bài toán khó của nhiều chủ doanh nghiệpHãm đà tăng trưởng nóng: Bài toán khó của nhiều chủ doanh nghiệp


Nhạc Dương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.