|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo sau khi Fed hạ lãi suất

10:02 | 19/12/2024
Chia sẻ
Fed giảm lãi suất trong cuộc họp cuối năm đúng như kỳ vọng của thị trường nhưng các nhà đầu tư vẫn bán tháo tài sản rủi ro trong phiên 18/12.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm đúng như mong muốn của thị trường nhưng các nhà đầu tư vẫn thấy thất vọng. Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 18/12, các quan chức đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) xuống phạm vi mục tiêu 4,25% - 4,5%.

Song, các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn đến dự báo của Fed cho năm 2025. Thông qua biểu đồ “dot plot”, Fed báo hiệu sẽ chỉ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong năm 2025, ít hơn hai lần so với dự kiến hồi tháng 9.

Dự báo mang tính “diều hâu” khiến các nhà đầu tư bồn chồn. Họ lo ngại rằng lạm phát dai dẳng trên mức mục tiêu 2% và nền kinh tế tăng trưởng vững vàng sẽ khiến Fed giảm lãi suất ít lần hơn trong năm sau hoặc thậm chí thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

Chứng khoán Mỹ cắm đầu giảm sau quyết định của Fed. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt hơn 1.100 điểm, nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 10 liên tiếp - khoảng thời gian dài nhất kể từ năm 1974.

Dù vậy, khi so về tỷ lệ, Dow Jones thực chất còn bền bỉ hơn so với S&P 500 và Nasdaq Composite khi hai chỉ số sau lần lượt giảm 3% và 3,6%.

Dưới đây là bình luận của các chuyên gia về động thái của Fed, theo tổng hợp của CNBC.

Ông David Russell, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation

“Giới chức Fed quyết định không tặng quà Giáng sinh cho thị trường. Các nhà hoạch định chính sách nhận thấy áp lực lạm phát đã tăng cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp đi xuống trong năm 2024. Vậy nên họ không có lý do nào để tiếp tục lập trường ‘bồ câu’ trong năm tới.

Fed đã làm xong phần việc dễ dàng, mức lãi suất hiện nay không còn kìm hãm nền kinh tế nhiều như trước. Giờ là thời điểm hợp lý để Fed tạm dừng. Các quan chức đã đưa nền kinh tế hạ cánh mềm và họ đang bắt đầu ngừng hỗ trợ. Chúng ta sẽ xem liệu nền kinh tế có thể đứng vững hay ngã nhào.

Sự chú ý của thị trường giờ sẽ chuyển từ chính sách tiền tệ sang chính sách tài khóa của chính quyền mới. Nền kinh tế Mỹ giờ nằm trong tay Tổng thống đắc cử Donald Trump”.

Ông Byron Anderson, Giám đốc chứng khoán trả thu nhập cố định tại Laffer Tengler Investments

“Trong thời gian qua. Fed và Chủ tịch Powell đã bảo bọc nền kinh tế quá mức. Kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng 85 bps và tiếp tục đi lên ngày hôm nay.

Nền kinh tế đã hạ cánh mềm và Fed nên thừa nhận điều đó. Lạm phát đang chững lại ở mức cao hơn mục tiêu 2%, tỷ lệ thất nghiệp thì đang đi ngang mà Fed vẫn tiếp tục giảm lãi suất. Câu hỏi của tôi là Fed còn giảm lãi suất để làm gì?

… Thời điểm thích hợp để Fed dừng giảm lãi suất là ngay sau khi ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử. Khi đó, Fed nên dừng tay và chờ đợi xem chính quyền của ông Trump sẽ tạo ra những tác động gì. Ông Trump sẽ mang đến sự thay đổi và biến động, Fed có thể sẽ phải một lần nữa thay đổi lập trường và đánh mất uy tín với các thị trường”.

Bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Principal Asset Management

“Bản thân quyết định hạ lãi suất của Fed không phải điều bất ngờ. Tuy nhiên, khi kết hợp với những thay đổi đáng kể trong dự báo lãi suất, có vẻ như đây là một động thái miễn cưỡng. Fed dường như ra quyết định hạ lãi suất chỉ để an ủi thị trường đôi chút trong khi họ chuẩn bị cho cách tiếp cận cứng rắn hơn vào năm 2025”.

Ông Jack McIntyre, nhà quản lý danh mục tại Brandywine Global

“Đợt cắt giảm lãi suất lần này của Fed thực chất vẫn mang tính ‘diều hâu’. Fed dự kiến tăng trưởng kinh tế mạnh hơn còn lạm phát cũng nóng lên, do đó dĩ nhiên các quan chức cũng điều chỉnh số lần giảm lãi suất dự kiến trong năm 2025.  

Kết quả của cuộc họp làm dấy lên câu hỏi là nếu thị trường không kỳ vọng Fed hạ lãi suất hôm nay, liệu Fed có làm vậy thật không? Tôi nghĩ là không.

Do đó, chính sách tiền tệ đã bước sang giai đoạn mới, đó là tạm ngừng. Giai đoạn ngừng này càng kéo dài, thị trường sẽ càng phải cân nhắc về khả năng Fed tăng lãi suất trở lại. Sự không chắc chắn về mặt chính sách sẽ tạo ra thêm biến động đối với thị trường tài chính năm 2025”.

Giang

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.