Hai lần tỷ giá dậy sóng trong năm 2024
2024 tiếp tục là một năm biến động mạnh của tỷ giá khi đồng USD vẫn duy trì sức mạnh. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không hạ lãi suất nhanh như kỳ vọng và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã khiến chỉ số USD Index (DXY) liên tục tăng cao.
Áp lực lớn từ phía bên ngoài khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp thế khó trong việc điều hành tỷ giá và buộc phải có động thái mạnh tay, hai lần bán USD giao ngay để can thiệp.
Những động thái của NHNN đã phần nào giúp kiềm chế đà tăng tỷ giá. Nhưng ở chiều ngược lại, việc bán USD giao ngay cũng khiến dự trữ ngoại hối đi xuống và là một phần nguyên nhân gây ra thiếu hụt thanh khoản tại một số thời điểm trong năm.
Theo dữ liệu từ WiGroup, so với đầu năm, tính đến ngày 12/12, tỷ giá trung tâm tăng 1,7%; tỷ giá mua - bán USD tại các ngân hàng lần lượt tăng 4,2% - 4%; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tăng 3,8% - 3,8% trong khi tỷ giá ngoại hối quốc tế tăng 4,7%.
Hai con sóng tỷ giá
Cơn sóng đầu tiên
Tỷ giá nổi sóng lần đầu tiên vào tháng 4, trong bối cảnh một loạt dữ liệu về lạm phát và kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến đã khiến thị trường điều chỉnh kỳ vọng về khả năng Fed hạ lãi suất lần đầu tiên. Thay vì hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6, thị trường đã điều chỉnh kỳ vọng sang tháng 9.
Do đó, chỉ số DXY đã kiểm định lại mốc 105 - 106 và kéo theo tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vọt tăng gần 5% so với đầu năm, buộc NHNN phải có động thái can thiệp mạnh tay.
Vào ngày 19/4, NHNN đã công bố bán ngoại tệ giao ngay với mức giá 25.450 VND/USD, đồng thời, bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng từ ngày 22/4 với mục đích tăng cung vàng SJC và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rồi sau đó bán vàng qua hệ thống SJC và các ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo ước tính của một số ngân hàng, công ty chứng khoán, nhà điều hành đã bán ra khoảng hơn 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong giai đoạn can thiệp đầu tiên. Đến khoảng cuối tháng 7, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt và NHNN không còn phải mạnh tay bán USD.
Giai đoạn yên bình
Tỷ giá có một giai đoạn yên bình từ đầu tháng 8 đến trung tuần tháng 10, trong bối cảnh Fed bắt đầu hạ lãi suất. Sau những phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell vào tại hội nghị Jackson Hole vào tháng 8, chỉ số DXY đã giảm về khoảng gần 100, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2022.
Đến tháng 9, Fed chính thức mạnh tay hạ lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản (bps), lần đầu tiên kể từ thời đại dịch COVID. Việc Fed cắt giảm 50 bps đã gây một số bất ngờ cho giới chuyên gia và khiến USD suy yếu. Động thái trên đã kéo mức tăng từ đầu năm của đồng bạc xanh so với VND xuống chỉ còn 1,4%.
Cơn sóng cuối năm
Tuy nhiên, từ cuối tháng 10, tỷ giá USD/VND bắt đầu nhích lên khi chỉ số DXY phục hồi. Nguyên nhân khiến DXY mạnh lên đến từ một loạt báo cáo, cho thấy nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn kỳ vọng. Trong đó, báo cáo việc làm tháng 9 ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4,1%, thấp hơn so với tháng liền trước. Ngoài ra, doanh số bán lẻ tháng 9 cũng tăng 0,4%, cao hơn kết quả tháng 8.
Ngoài ra, tỷ giá cũng chịu áp lực lớn từ khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng ngày một tăng cao. Các chính sách do ông Trump công bố khi vận động tranh cử được cho có thể sẽ thổi bùng lạm phát, khiến Fed chậm lại trong quá trình hạ lãi suất và gây thêm áp lực cho tỷ giá.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thống đốc: 'Sẽ bán ngoại tệ khi thị trường ngoại hối biến động quá lớn' 11/11/2024 - 11:04
Ngoài ra, vào ngày 24/10, việc Kho bạc Nhà nước công bố mua vào 240 triệu USD đã có lúc đẩy tỷ giá liên ngân hàng lên 24.455 VND/USD. Cùng ngày, NHNN cũng đã công bố nối lại việc cung ứng USD tại mức giá 24.450 VND/USD. Nhờ động thái trên, tỷ giá đã phần nào hạ nhiệt.
Sau khi ông Trump được xác định đã thắng cử, chỉ số DXY đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, kéo theo một đợt tăng nhẹ của tỷ giá. Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN “sẽ bán ngoại tệ khi thị trường ngoại hối biến động quá lớn” và “kiểm soát dao động trong khoảng 5%”.
Đến ngày 19/12, cả tỷ giá trung tâm lẫn tỷ giá bán ra ngân hàng lại vượt kỷ lục cũ, trong bối cảnh Chủ tịch Fed cảnh báo ngân hàng trung ương sẽ thận trọng hơn trong những quyết định lãi suất tương lai. Biểu đồ chấm (dot plot) mới nhất cũng chỉ ra rằng Fed sẽ chỉ còn hạ lãi suất hai lần trong năm 2024, so với 4 lần trong lần cập nhật trước đó.
Tỷ giá liệu có dễ thở hơn trong năm 2025?
Tính đến ngày 12/12, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 4,68% so với đầu năm, vẫn nằm dưới giới hạn dao động 5% của NHNN. Mặc dù 2024 là một năm khó khăn, đang có một số luồng ý kiến cho rằng tỷ giá trong năm 2025 sẽ có chút dễ thở hơn.
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), tỷ giá dự kiến vẫn sẽ là một yếu tố cần theo dõi trong giai đoạn cuối năm 2024 và xuyên suốt năm 2025 khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể. Hiện dự trữ ngoại hối đã duy trì ở mức khoảng 2,4 tháng nhập khẩu tính đến tháng 8/2024, thấp hơn khuyến cáo 3 tháng của IMF.
Trong đó, nguồn dự trữ ngoại tế thấp cho thấy bộ đệm dùng cho việc can thiệp tỷ giá đã không còn dồi dào như trước, MASVN cho hay.
Tuy nhiên, trong năm 2025, các đợt cắt giảm lãi suất của Fed được cho là sẽ tạo điều kiện phù hợp cho NHNN trong hoạt động để tái tích lũy nguồn dự trữ ngoại hối và có thêm dư địa để hạ lãi suất điều hành.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra một số yếu tố thuận lợi cho thấy tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong tháng 12 như dòng vốn ngoại tiếp tục chảy về Việt Nam, kiều hối vào cuối năm duy trì như năm trước, thặng dư thương mại và Fed sắp ngừng thắt chặt định lượng (QT).
Trong báo cáo gần đây, ngân hàng Standard Chartered dự báo đồng USD sẽ suy yếu trong nửa đầu năm 2025 và mạnh lên từ cuối năm. Standard Chartered dự báo việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới, dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 vào cuối năm 2024 và 25.450 vào quý II/2025. Hiện tỷ giá USD/VND đang ở mức 25.396.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cảnh báo kể từ quý II/2025, các chính sách của ông Trump có thể tạo áp lực lên tỷ giá và buộc NHNN phải nâng lãi suất điều hành.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng UOB dự báo VND có thể chịu áp lực lớn từ cách chính sách thuế quan của ông Trump. Do đó, VND sẽ tiếp tục suy yếu và kéo theo tỷ giá USD/VND có thể lên đỉnh lịch sử là 26.200 vào quý III/2025.
Trong năm 2025, UOB kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 25.800 VND/USD trong quý I, 26.000 USD/VND trong quý II, 26.200 VND/USD trong quý III, 26.000 VND/USD trong quý IV.