|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

10 địa phương có IIP năm 2024 cao nhất: Trà Vinh hai năm liên tiếp dẫn đầu cả nước

08:00 | 20/01/2025
Chia sẻ
Trong 10 địa phương IIP cao nhất cả nước năm 2024, có ba địa phương đạt mức tăng trưởng trên 30% và 4 địa phương tăng trên 20%, chủ yếu nhờ chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân cả nước ước tăng 8,4% so với năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Trong đó, đóng góp lớn nhất trong mức tăng trưởng chung vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 9,6%, làm tăng 8,4 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,8 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7%, đóng góp 0,2 điểm %; ngành khai khoáng giảm 6,5%, làm giảm 1 điểm %.

So với năm trước, IIP năm 2024 tăng ở 60 địa phương và giảm ở ba địa phương. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 cao nhất cả nước. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê; UBND các tỉnh, thành phố).

Trà Vinh tăng 39,28%, hai năm liên tiếp dẫn đầu cả nước

Năm 2024, IIP của Trà Vinh tăng 39,28% so với năm trước và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 29,1% của năm trước, dẫn đầu cả nước. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp địa phương giữ vị trí này.

Cục Thống kê tỉnh cho biết, cả 4 ngành công nghiệp cấp I đều tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí với mức tăng gần 30%, xếp thứ hai cả nước, sau Khánh Hoà; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,81%, thuộc top 5 cả nước.

Vượt Lai Châu, Phú Thọ xếp thứ hai với IIP tăng 37,8%

Giữ vị trí “á quân” là tỉnh Phú Thọ với mức tăng trưởng IIP đạt 37,8%, gấp đôi mức tăng 18,3% của năm 2023.

Đồng thời, đây cũng là địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất cả nước và là tỉnh duy nhất đạt mức tăng trưởng trên 40% trong năm 2024, tăng 44,7%.

Lai Châu tăng 31,62%

Theo báo cáo của Cục Thống kê Lai Châu, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2024 tăng 31,62%, xếp thứ ba cả nước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chỉ số sản xuất của ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện và ngành chế biến, chế tạo tăng cao so với năm trước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo của Lai Châu tăng 35,82%, chỉ xếp sau Phú Thọ. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 31,96%, xếp sau một số tỉnh có mức tăng trưởng vượt trội như: Khánh Hòa tăng 135,7%, Trà Vinh tăng 50,2%, Điện Biên tăng 49,5%, Cao Bằng tăng 47,7% và Sơn La tăng 32,3%.

Bắc Giang tăng 28,74%

IIP Bắc Giang năm 2024 ước tăng 27,68% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo xếp thứ ba cả nước với mức tăng 28,16%; ngành khai khoáng tăng 1,34%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,46%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%. 

Khánh Hoà tăng 27,15%

Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Khánh Hoà tăng 27,15% so năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp địa phương giữ tăng trưởng IIP ở mức hai con số. Trước đó, năm 2023, IIP Khánh Hoà tăng 13,69%; năm 2022 tăng 21,68%.

Đóng góp lớn nhất vào mức tăng chung là ngành sản xuất và phân phối điện, tăng gấp 2,36 lần so với năm trước, dẫn đầu cả nước. 

Sơn La tăng 24,5%

So với năm trước, IIP Sơn La năm 2024 ước tính tăng 24,5%. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 32,31%, xếp thứ 5 cả nước.

Tuy nhiên, ba ngành công nghiệp cấp I còn lại đều giữ mức tăng thấp hoặc giảm sâu so với năm trước. Cụ thể, ngành công nghệ chế biến, chế tạo tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,56%; ngành khai khoáng giảm 17,46%.

Điện Biên tăng 22,43%

Tương tự Lai Châu, Khánh Hoà và Sơn La, IIP năm 2024 của Điện Biên đạt mức tăng trưởng cao, tăng 22,43%, chủ yếu nhờ ngành sản xuất và phân phối điện tăng tới 46,96%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh cũng đạt mức tăng khá, tăng 6,43%.

Cao Bằng tăng 19,9%

Năm 2024, Cao Bằng bất ngờ lọt top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước, với mức tăng 19,9%.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện của Cao Bằng năm vừa qua tăng tới 47,7%, xếp thứ 4 cả nước, sau Khánh Hoà, Trà Vinh và Điện Biên.

Thanh Hoá tăng 19,3%

Xếp thứ 9 về chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 là tỉnh Thanh Hoá với mức tăng 19,3%.

Trong đó, có hai ngành công nghiệp cấp I tăng cao so với năm trước, nằm trong top 10 địa phương cao nhất cả nước là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,6%, xếp thứ 4; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,6%, xếp thứ 7.

Bình Phước tăng 17,79%

Nhờ tình hình sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong tháng cuối năm, IIP tháng 12/2024 tăng 27,55% so với cùng kỳ năm trước, Bình Phước đã trở lại danh sách 10 địa phương có IIP cao nhất cả nước sau một năm vắng bóng, với mức tăng bình quân cả năm 2024 đạt 17,79%.

Trong 4 ngành công nghiệp cấp I, có ba ngành đạt tăng trưởng hai con số. Cụ thể, ngành khai khoáng tăng 12,41%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,21%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,99%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,96%.

Anh My

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.