|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những tia sáng lóe lên trong bóng đen COVID-19

11:33 | 12/03/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về y tế và kinh tế toàn cầu. Nhưng đồng thời, dịch bệnh này cũng đem đến những cơ hội và lợi ích lâu dài liên quan tới chuỗi cung ứng, khả năng làm việc từ xa và mô hình tăng trưởng bền vững.
Tia sáng lóe rạng giữa 'bóng đen' COVID-19 - Ảnh 1.

Một người đàn ông đeo khẩu trang ở công viên sông Hàn ở Namyangju, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Dịch COVID-19 là hiểm họa đối với thế giới: Ít nhất hơn 4.300 người chết và trên 120.000 người nhiễm căn bệnh này.

Chứng khoán lao dốc, nhiều thành phố bị phong tỏa, các cơ sở y tế quá tải, hàng loạt buổi biểu diễn ca nhạc và sự kiện thể thao phải hủy bỏ, các hãng hàng không và công ty lữ hành rơi vào cảnh điêu đứng vì vắng khách, người dân hoảng loạn tích trữ nhu yếu phẩm.

Nhưng dịch COVID-19 không chỉ dẫn đến những hậu quả tiêu cực: một số thay đổi dịch bệnh này đem đến có thể mang lại lợi ích lâu dài cho tương lai.

Thế giới có thể sẽ chứng kiến nhiều xu hướng tốt đẹp hơn: các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, ô nhiễm môi trường được cải thiện nhờ lượng khí thải do xe cộ giảm. 

Trong tương lai, có thể nhân viên sẽ được phép làm việc từ xa nhiều hơn. Các chính phủ có thể sẽ đặt ưu tiên cao hơn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mọi người chú ý nhiều hơn về vấn đề vệ sinh cá nhân. 

Việc buôn bán động vật hoang dã – được coi là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch COVID-19 – đã bị cấm tại Trung Quốc.

Cơ hội cho những nước đang phát triển

Trước khi dịch bệnh bùng phát, các rủi ro chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đẩy các công ty đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.  

Khủng hoảng dịch COVID-19 chỉ đơn giản là đang tăng tốc xu hướng đó.

Tháng trước, Nikkei đăng tin rằng Google và Microsoft đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất máy tính và điện thoại sang các nước Đông Nam Á.

Các công ty Nhật Bản như Daikin và Komatsu - nhà sản xuất máy móc xây dựng cũng đang cân nhắc động thái tương tự.

Ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận xét: "Xét về lâu dài, nhiều khả năng chuỗi cung ứng sẽ được đa dạng hóa, và đó là một điều tốt".

Ông Wang chia sẻ với Nikkei: "Rủi ro chính trị của virus corona chủng mới là chính phủ Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt, phong tỏa gần như toàn bộ đất nước. Các công ty không muốn bị mắc kẹt vì những biện pháp mạnh tay tương tự nếu một đại dịch khác xảy ra trong tương lai".

Ông Wang nói thêm dù "không nước nào có thể thay thế Trung Quốc", các quốc gia đang phát triển có thể được hưởng lợi nhờ sự tái cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nói: "Việc dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hoặc Bangladesh sẽ đem đến cho người dân những nước này kinh nghiệm sản xuất sản phẩm công nghệ. Và một khi có được kinh nghiệm đó, các nước đang phát triển có thể bước vào giai đoạn đổi mới tiếp theo".  

Tia sáng lóe rạng giữa 'bóng đen' COVID-19 - Ảnh 2.

Một nhà máy sản xuất cáp tại Trung Quốc. Dịch COVID-19 có thể thúc đẩy nhiều công ty cải cách chuỗi cung ứng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giảm ô nhiễm

Dù tác động của dịch COVID-19 lên sản lượng công nghiệp và các chuyến bay có thể mang tính ngắn hạn, nhưng môi trường và khí hậu thế giới có thể sẽ được hưởng lợi về lâu dài.

Bà Nobuko Kobayashi, đối tác của Ernst & Young tại Nhật Bản cho biết: "Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hiện tại sẽ khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các địa điểm gần nơi tiêu thụ hơn. Điều này làm giảm lượng hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới, giúp giảm thiểu khí các-bon".

Việc ngày càng nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà ở những nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc có thể giúp giảm lượng khí thải các-bon trong ngắn hạn.

Từ lâu, văn hóa bắt buộc nhân viên có mặt tại nơi làm việc của nhiều công ty ở Đông Á đã ngăn cản việc áp dụng các phương thức làm việc linh hoạt hơn. Nhưng giờ đây đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.

Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sony, Takeda Pharmaceutical, Toshiba và SoftBank đang kêu gọi nhân viên làm việc tại nhà. Tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố: "Làm việc từ xa là giải pháp hiệu quả" trước tình hình dịch bệnh hiện nay.

Bà Kobayashi - đối tác của Ernst & Young tại Nhật Bản nói: "Tính đồng nhất khiến cho Nhật Bản đặc biệt chậm chạp trong việc thay đổi. Khuynh hướng tiến hành kinh doanh theo đường lối cũ của doanh nghiệp là rất lớn. Chỉ một cú sốc lớn và có tầm ảnh hưởng như dịch COVID-19 mới có thể buộc chúng tôi từ bỏ cách làm cũ".

"Chuẩn mực thông thường bị phá vỡ, nhường chỗ cho cách tiếp cận tiến bộ hơn".

Bà Kobayashi cũng quan sát thấy ngày càng nhiều dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế và chính phủ được chuyển sang môi trường trực tuyến, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn.

Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản đã cho đăng một số tài liệu học tập lên Internet sau khi mọi trường học ở nước này phải đóng cửa từ ngày 2/3. Chưa rõ bao giờ Nhật Bản sẽ cho phép trường lớp hoạt động trở lại.

Cứu tinh cho động vật hoang dã

Tia sáng lóe rạng giữa 'bóng đen' COVID-19 - Ảnh 3.

Một con tê tê được giải cứu tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Bất chấp hệ quả sức khỏe tới con người, dịch COVID-19 có thể sẽ giúp cứu sống nhiều động vật hoang dã.

Chính quyền Trung Quốc nghi ngờ virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có nguồn gốc từ động vật tại một khu chợ ở Vũ Hán. Do đó, tháng trước, nước này đã cấm mọi hoạt động buôn bán động vật hoang dã như cóc, dơi và tê tê. Một số người dân Trung Quốc coi thực phẩm chế biến từ những loài vật này là đặc sản.

ÔNg Peter Li, chuyên gia chính sách Trung Quốc tại Humane Society International nói với Nikkei rằng động thái của Bắc Kinh có thể là bước khởi đầu cho việc loại bỏ hoạt động săn bắn và buôn bán động vật hoang dã. Các nước khác trong khu vực có thể sẽ có những động thái tương tự.

"Việc Trung Quốc cấm buôn bán động vật hoang dã sẽ thúc đẩy những quốc gia láng giềng như Việt Nam và Thái Lan áp dụng các đạo luật tương tự. Các nước khác cũng sẽ không còn cớ để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp như vậy nữa".

Cải thiện hệ thống y tế

Tia sáng lóe rạng giữa 'bóng đen' COVID-19 - Ảnh 4.

Dịch COVID-19 khuyến khích thói quen vệ sinh cá nhân tốt hơn. Ảnh: Reuters

Dịch COVID-19 đã nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân. Các cá nhân trên toàn thế giới đã dành thêm thời gian để rửa tay bằng xà phòng và nước nóng. Biện pháp thường xuyên rửa tay không chỉ giúp chống lây nhiễm COVID-19, mà còn có tác dụng phòng tránh những căn bệnh khác, ví dụ như cảm cúm.

Dịch COVID-19 cũng thử thách các giới hạn và làm lộ rõ những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe các nước châu Á.

Ông Richard Coker, giáo sư danh dự về sức khỏe cộng đồng tại Bangkok của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London hi vọng rằng dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy cải cách và tăng cường tài trợ cho các hệ thống y tế quốc gia, cũng như các cơ quan y tế toàn cầu như Tổ chức Y tế Thế giới.

Giáo sư Coker chia sẻ với Nikkei: "Lòng tin vào chính phủ là điều đặc biệt quan trọng trong trường hợp xảy ra đại dịch. Tôi mong rằng động lực xã hội sinh ra niềm tin này sẽ tạo ra những thay đổi trong chính trị".

"Tôi mong rằng một trong những thay đổi này là việc chính phủ các quốc gia nhận thức rằng bệnh truyền nhiễm không chỉ là mối đe dọa tới y tế cộng đồng, mà còn là hiểm họa đối với an ninh".

"Về lâu dài, tôi hi vọng mọi người sẽ cảm nhận mạnh mẽ hơn rằng các cá nhân đều có mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau".

Giang