Bí quyết dập dịch COVID-19 ở Trung Quốc: Đừng bắt bệnh nhân trả tiền xét nghiệm và điều trị
Theo South China Morning Post (SCMP), chính phủ những nước hiện đang phải chống chọi với dịch COVID-19 có thể rút ra bài học từ Trung Quốc: miễn phí xét nghiệm và chữa trị cho bệnh nhân, để người dân không giấu bệnh do lo ngại tốn kém.
Dịch COVID-19 đã lan ra hơn 100 nước trên toàn thế giới. Chỉ trong vài tuần vừa qua, số trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 tại Italy, Hàn Quốc, Iran đã tăng mạnh, biến những quốc gia này thành các tâm dịch mới.
Tới nay, Italy đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm bệnh, trở thành nước có số người nhiễm COVID-19 đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Gần đây, số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Mỹ cũng đã tăng, sau khi các quan chức y tế dỡ bỏ một số qui định đã hạn chế khả năng xét nghiệm căn bệnh chết người này.
Nhưng ở Trung Quốc, nơi báo cáo trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên, dịch bệnh đang dần được đẩy lùi. Hôm 10/3, nước này chỉ ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới.
Chi phí cho một xét nghiệm virus corona tại Trung Quốc là 370 nhân dân tệ (53 USD). Theo thông tin được đăng ngày 28/2 trên tạp chí y tế Chinese Hospital Management, trung bình, chi phí chữa trị cho một ca nhiễm COVID-19 tại Thâm Quyến dao động từ 5.600 nhân dân tệ (805 USD) đối với trẻ vị thành niên đến 23.000 nhân dân tệ (3309 USD) đối với bệnh nhân lớn tuổi.
Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn chi trả cho những phương pháp điều trị rất đắt đỏ, ví dụ như kĩ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo để cung cấp ô-xy cho bệnh nhân. Tính đến nay, chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra 110,48 tỉ nhân dân tệ (15,9 tỉ USD) cho việc điều trị, trợ cấp cho nhân viên y tế và chi trả trang thiết bị y tế để đối phó với dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện cũng được bảo hiểm y tế chi trả.
Người dân Mỹ - quốc gia có 28 ca tử vong và hơn 1.000 trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 - đang ngày càng lo lắng về chi phí xét nghiệm.
Chính phủ Mỹ miễn phí xét nghiệm virus corona tại các phòng khám chỉ định, nhưng một chuyến đi đến bệnh viện vẫn sẽ rất tốn kém vì còn nhiều chi phí khác phải thanh toán. Thậm chí có trường hợp một người Mỹ phải trả tới hơn 3.200 USD sau khi đi xét nghiệm.
Tổ chức vận động hành lang của các công ty bảo hiểm America's Health Insurance Plans khuyên mọi người cần phải kiểm tra lại các hợp đồng bảo hiểm để xem họ có được chi trả các chi phí liên quan tới COVID-19 hay không.
Tính đến 9/3, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở Mỹ mới xét nghiệm được cho 1.707 người.
Tổng số người được thực hiện xét nghiệm ở Mỹ có thể cao hơn con số trên nếu tính đến các phòng khám y tế công cộng cấp thấp. Nhưng đồng thời, số trường hợp nhiễm bệnh trong thực tế cũng có thể cao hơn ghi nhận hiện tại.
Theo nghiên cứu mới của trung tâm khoa học y tế Cedars-Sinai, ước tính có 1.043 đến 9.484 người ở Mỹ có thể bị nhiễm COVID-19 tính đến ngày 1/3.
Trong tháng 1/2020, Hàn Quốc tuyên bố rằng chính phủ và các công ty bảo hiểm của nước này sẽ chi trả cho các chi phí liên quan đến xét nghiệm, điều trị và cách li của các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Hàn Quốc đã mở thêm rất nhiều trạm xét nghiệm COVID-19, bao gồm cả việc xét nghiệm cho dân thường ngay trong xe của họ. Mỗi ngày, nước này xét nghiệm được khoảng 15.000 người.
Vào tháng 2, Nhật Bản chính thức xác định COVID-19 là bệnh truyền nhiễm, đồng nghĩa với việc chính phủ nước này có trách nhiệm thanh toán các hóa đơn nội trú có liên quan với dịch COVID-19.
Tại Anh, gần 18.000 người đã được xét nghiệm miễn phí, và 373 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh.
Theo SCMP, Giáo sư Dirk Pfeiffer tại City University nói rằng khả năng chi trả sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Giáo sư Pfeiffer nhận định: "Rõ ràng, nếu phải trả tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các cá nhân thuộc nhóm thu nhập thấp có những triệu chứng nhẹ sẽ ngại phải đến cơ sở y tế. Thậm chí những người bị bệnh nặng cũng vậy. Những hành động này sẽ khiến cho dịch bệnh kéo dài".
Nhưng ông cũng nói rằng tại hầu hết các quốc gia, việc xét nghiệm hàng loạt là không khả thi, và rằng biện pháp tránh rủi ro quan trọng nhất bây giờ vẫn là tránh tụ tập đông người.
Vị giáo sư nhận định: "Tôi không cho rằng nhiều quốc gia có thể tổ chức xét nghiệm trên qui mô lớn, vì số lượng các cuộc xét nghiệm cần thực hiện sẽ rất nhiều. Ngay cả khi điều này là khả thi, chỉ xét nghiệm không cũng không đủ để loại bỏ dịch bệnh khỏi cộng đồng".
"Vì vậy, việt xét nghiệm sẽ phải thực hiện dựa trên đánh giá rủi ro và mang tính tập trung, ví dụ như là đối với những cá nhân có tiếp xúc với người đã xác nhận là nhiễm COVID-19".
Ông Pfeiffer nói rằng tại các nước phương Tây, việc tránh tụ tập đông người sẽ chủ yếu được thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện. Điều này trái ngược với Trung Quốc: theo các qui định kiểm soát bệnh truyền nhiễm của nước này, việc xét nghiệm là bắt buộc.
Ông nói: "Hậu quả của sự khác biệt này là dịch bệnh sẽ kéo dài hơn tại những nước mà việc tránh tụ tập đông người là tự nguyện".
Ông Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ và Trung Quốc là không giống nhau. Do đó, việc các nước này sử dụng những chiến lược khác nhau là điều dễ hiểu.
Nhưng thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch COVID-19 có thể là cơ hội tốt để cả hai cường quốc cùng hợp tác.
Ông Ni nói: "Đây là lĩnh vực ít nhạy cảm nhất. Hai nước này có thể cộng tác với nhau về nhiều mặt. Trong quá khứ, Mỹ và Trung Quốc đã từng hợp tác chặt chẽ với nhau trong trường hợp dịch SARS, dịch cúm H5N1 và H759, nhưng dịch COVID-19 hiện tại thì không".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/