Những doanh nghiệp biên lãi gộp cao nhất sàn chứng khoán
Trong hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đạt được biên lãi gộp “khủng” nhờ hoạt động kinh doanh đặc thù, tính độc quyền, kinh doanh hiệu quả hay đơn giản là mua được hàng với giá vốn rẻ…
NTC là doanh nghiệp đạt biên lãi "khủng'" nhất sàn chứng khoán |
Nhóm ngành kinh doanh dịch vụ hàng không cho thấy CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS) đạt doanh thu quý II/2018 đạt 634 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận duy trì ở 45%. Công ty của vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn tăng trưởng trong tất cả các mảng kinh doanh, trong đó tăng nhiều nhất là hoạt động tại cửa hàng miễn thuế.
Đáng chú ý, biên lãi gộp kinh doanh mảng phòng khách lên tới 81,4%; hoạt động kinh doanh khác cũng ở mức trên 63%.
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) doanh thu 159 tỷ đồng trong quý, biên lãi gộp trên 49%. Doanh thu của NCT chủ yếu đến từ hai mảng chính là phục vụ hàng hóa và xử lý hàng hóa, ngoài ra doanh thu lưu kho cũng đóng góp ổn định hàng năm.
Đối với các loại chi phí cho giá vốn, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí nhân công (36% tổng chi phí), chi phí thuê tài sản và dịch vụ mua ngoài hàng năm cũng tương đối cao.
Nhiều doanh nghiệp đạt được tỷ suất sinh lời cao nhờ độc quyền, CTCP Chiếu xạ An Phú (Mã: APC) tiếp tục duy trì biên lãi gộp 73% trong quý II. Biên lãi gộp của An Phú cải thiện trong vòng 6 năm trở lại đây, từ mức 46% năm 2012.
An Phú hiện là cái tên đáng chú ý nhất trong lĩnh vực chiếu xạ khử trùng các loại thủy hải sản, rau củ quả với thị phần khoảng 60%, bỏ xa các đối thủ xếp sau như Thái Sơn, Sơn Sơn (chủ yếu chiếu xạ hoa quả) hay Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (doanh nghiệp mới, công suất thấp).
CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiêng Giang (Mã: SKG) chuyên khai thác các tuyến tàu từ Rạch Giá, Hà Tiên ra đảo Phú Quốc, ngoài ra là các tuyến khác đi đảo Nam Du, Côn Đảo, Phú Quý… Cuối tháng 6, Superdong tiếp tục đưa vào khai thác tuyến Phan Thiết – Phú Quý. Công ty hiện khai thác 12 tàu cao tốc các loại, tải trọng từ 171 – 306 khách/tàu. Trong quý II, SKG đạt doanh thu 158 tỷ đồng, biên lãi gộp trên 50%.
Một cái tên đáng chú ý khác, CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (Mã: TCT) khai thác tuyến cáp treo duy nhất từ chân núi lên Chùa Bà, hoạt động từ năm 1998. Mặc dù quý II năm nay biên lãi gộp công ty sụt giảm còn 43,7%, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm doanh nghiệp này lấy lại phong độ với 81%. Cáp treo Núi bà Tây Ninh kinh doanh đặc biệt hiệu quả trong mùa lễ hội 3 tháng đầu năm, ở cả chỉ số doanh thu và lợi nhuận.
Trong nhóm những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất trên thị trường không thể bỏ qua cái tên FPT Online, doanh nghiệp sáng lập báo điện tử VnExpress, cùng với đó là đang độc quyền khai thác quảng cáo trực tuyến trên các trang ngoisao.net; gamethu.net; sohoa.net; nhacso.net; pcworld.com.vn…
Quý II, FPT Online đạt doanh thu 132 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 241 tỷ, biên lãi gộp ở mức 79%, trong khi chi phí hoạt động tiếp tục được cắt giảm mạnh.
CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) nhiều năm nay cũng luôn có tên trong danh sách những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất sàn chứng khoán. Quý II đạt doanh thu trên 48 tỷ thì \\có 47,9 tỷ đồng là lợi nhuận gộp; biên lãi gộp ở mức 99,6%, cao nhất sàn chứng khoán.
Theo tìm hiểu, NTC là đơn vị kinh doanh khu công nghiệp với hai cổ đông lớn là Tập đoàn Cao Su và CTCP Cao su Phước Hòa, dự án KCN Nam Tân Uyên của NTC nhận được rất nhiều lợi thế mà không phải Khu công nghiệp nào cũng có được. Tính tới nay, NTC đang phát triển 2 khu công nghiệp là Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng (NTU GĐ2) với tổng diện tích là 621ha. Quỹ đất mà NTC phát triển được chuyển đổi chủ yếu từ đất trồng cây cao su của PHR. Đây là điểm lợi thế lớn của NTC khi không phải thực hiện công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng vốn mất nhiều thời gian và chi phí.
Với điều kiện thủy văn thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thủy điện năm nay báo lãi lớn trong 6 tháng. CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Mã: VSH) đạt doanh thu 411 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 72%. Hay thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (Mã: DNH) doanh thu 1.020 tỷ đồng, biên lãi gộp 66,6%. Thủy điện Thác Mơ thu về 406 tỷ đồng trong 6 tháng, cũng báo tỷ lệ lợi nhuận gộp trên 65%.
Ở vị thế những người đứng đầu, các doanh nghiệp như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) luôn được đánh giá cao ở tính hiệu quả. Trong quý II, Vinamilk đạt doanh thu thuần 13.738 tỷ đồng, lãi gộp 47%. Dược Hậu Giang (Mã: DHG) doanh thu 1.040 tỷ đồng, lãi gộp 42%. Hay CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) doanh thu quý II đạt 3.134 tỷ đồng, biên lãi gộp 49,6% do thuê được mặt bằng giá rẻ.
Ở góc độ là cơ quan thực hiện dịch vụ lưu ký chứng khoán thuộc Bộ Tài chính, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng đạt hiệu quả hoạt động khá cao. Doanh thu thuần trong 6 tháng 297 tỷ đồng, biên lãi gộp 84%.
Cũng chính vì hoạt động kinh doanh hiệu quả cao, các doanh nghiệp nói trên cũng luôn nằm trong danh sách trả cổ tức hậu hĩnh cho các cổ đông hàng năm. Đơn cử như 2018, NCT dự kiến trả mức cổ tức 90%, VNM lên kế hoạch duy trì cổ tức 50% bằng tiền, NTC ở mức 40% và TCT dự kiến cũng là 30%...