|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những cuộc bầu cử sẽ định hình thế giới năm 2024

07:31 | 02/01/2024
Chia sẻ
Năm 2024 sẽ được định hình bởi cuộc bầu cử tại các quốc gia hùng mạnh nhất và đông dân nhất thế giới, đơn cử như Mỹ, Ấn Độ và Nga.

Từ trái sang: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức, Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Đồ họa: CNN). 

2024 sẽ là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Các hòm bỏ phiếu sẽ xuất hiện tại hơn 30 quốc gia với tổng dân số hơn 4 tỷ người.

Trong một số trường hợp, ứng viên hàng đầu có ưu thế áp đảo đến mức dường như kết quả có thể được đoán trước, ví dụ như Nga. Ukraine - quốc gia đang xung đột với Nga - sẽ không tổ chức bầu cử như dự định vì Tổng thống Volodymyr Zelensky đánh giá việc tổ chức sự kiện như vậy trong thời chiến gần như là bất khả thi. 

Tuy nhiên, đối với hầu hết các quốc gia sẽ phát phiếu bầu trong năm nay, kết quả bầu cử vẫn là ẩn số. Dưới đây là 4 cuộc bầu cử đáng chú ý trong năm 2024.

Nga: Ông Putin chiếm thế thượng phong

Cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/3/2024. Tờ Tass cho biết tính đến ngày 23/12, Nga có tổng cộng 29 người đứng ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây nhìn nhận rằng hầu như không ứng viên nào có khả năng đánh bại Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Putin là người nắm quyền tổng thống lâu nhất ở Nga kể từ sau nhà lãnh đạo Joseph Stalin. Lần sửa đổi Hiến pháp vào năm 2020 đã cho phép ông Putin tranh cử thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024.

Song, nếu ông Putin tái đắc cử năm 2024, rất có thể đây sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của ông, bởi hiện ông đã 71 tuổi. Tờ CNN đánh giá rằng khả năng này có thể sẽ khiến các chính sách của ông Putin trở nên quyết liệt hơn.

Ấn Độ: Quốc gia đông dân nhất thế giới đi bầu

Cử tri tại quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân này sẽ chọn các thành viên của Hạ viện (Lok Sabha) từ tháng 4 đến tháng 5. Đảng hoặc liên minh kiểm soát Lok Sabha sẽ được quyền chọn thủ tướng. Nhiều khả năng Thủ tướng Narendra Modi và đảng của ông sẽ giành chiến thắng lần thứ ba liên tiếp.

Các cuộc khảo sát cho thấy gần 80% người Ấn Độ ủng hộ những thành tựu mà ông Modi đã đạt được. Nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 7%, giúp thu nhập người lao động toàn quốc đi lên và khơi gợi niềm hy vọng rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng chính quyền ông Modi đã thất bại với nỗ lực cải cách nông nghiệp và Ấn Độ vẫn thiếu nhiều việc làm tốt, đặc biệt là cho giới trẻ.

Nghị viện châu Âu: Nhiều vấn đề cần giải quyết

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra từ ngày 6 đến 9/6. Nghị viện này nắm giữ một quyền năng đặc biệt: lựa chọn chủ tịch mới của Ủy ban Châu Âu, cơ quan quyền lực của Liên minh châu Âu (EU).

Bà Ursula von der Leyen vẫn chưa cho biết liệu bà có ý định tranh cử nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm lần thứ hai hay không. Công dân của 27 quốc gia thành viên EU sẽ chọn 720 nghị sĩ nắm quyền trong giai đoạn 2024 - 2029.

Hơn 400 triệu người châu Âu đủ điều kiện bỏ phiếu, đồng nghĩa rằng đây là cuộc bầu cử lớn thứ hai trên thế giới sau sự kiện ở Ấn Độ.

Các vấn đề quan trọng cần quyết định của Nghị viện châu Âu là viện trợ bổ sung cho Ukraine, trừng phạt Nga, chính sách nhập cư, biện pháp bảo vệ khí hậu, công lý và pháp quyền trên toàn EU, chính sách của châu Âu với Trung Quốc.

Mỹ: Nhân tố Trump và chính sách của Washington

Cuộc bầu cử quan trọng nhất thế giới sẽ diễn ra tại Mỹ. Những lá phiếu sẽ định đoạt vị trí chủ nhân Nhà Trắng, 1/3 ghế ở Thượng viện và toàn bộ ghế ở Hạ viện.

Cuộc bầu cử tổng thống - diễn ra vào ngày 5/11 - gần như chắc chắn sẽ là màn tái đấu giữa ông Joe Biden với người tiền nhiệm Donald Trump. Cuộc đối đầu này thu hút sự chú ý lớn do nó có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ “trả thù” các đối thủ chính trị nếu giành lại được ngôi vị tổng thống. Ngoài ra, ông còn chỉ trích NATO, thờ ơ đối với vấn đề biến đổi khí hậu và có ý định dùng thuế quan để “chăng lưới bảo vệ nền kinh tế Mỹ”. Tuyên bố của vị cựu tổng thống đã làm dấy lên suy đoán rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ làm đảo lộn chính trị thế giới, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Nhưng dù ông Trump hay ông Biden tái đắc cử, các chính sách của họ vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào những gì diễn ra trong Quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa có vẻ sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện. Ngược lại, Đảng Dân có thể sẽ lại chiếm ưu thế tại Hạ viện.

Giang