|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhờ đâu Sao Ta báo lãi tăng 17% trong quý I dù doanh thu suy giảm?

13:04 | 25/04/2023
Chia sẻ
Chi phí vận chuyển giảm 60% so với cùng kỳ là nguyên nhân chính giúp Sao Ta báo lãi trong quý I dù doanh thu sụt giảm.

Ba tháng đầu năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) ghi nhận 1.008 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm 23% xuống 928 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp không biến động nhiều. Song, chi phí bán hàng giảm 66% xuống 24 tỷ đồng nhờ chi phí vận chuyển được tiết giảm tới 60%. Đây chính là yếu tố giúp lợi nhuận sau thuế của Sao Ta tăng 17% so với quý I/2022 lên 49 tỷ đồng.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu 5.900 tỷ đồng doanh thu, 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với 51 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Sao Ta hoàn thành 13% kế hoạch lợi nhuận, 17% chỉ tiêu doanh thu.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của Sao Ta.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản của công ty đạt 2.815 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 460 tỷ đồng.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 29%) trong cơ cấu tài sản của Sao Ta là hàng tồn kho, khoảng 825 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm.

Cuối quý I, tổng nợ vay của công ty gần 434 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn bằng đồng USD tại ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Sóc Trăng với lãi suất từ 4,2% - 4,9%/năm.

Vốn chủ sở hữu của Sao Ta đạt 2.123 tỷ đồng, bao gồm 680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3.

Xét về dòng tiền, ba tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty dương 7 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 62 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 82 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 136 tỷ đồng.

Xuất khẩu tôm còn nhiều áp lực phía trước

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), ba tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ.

VASEP cho rằng, việc tiêu thụ tôm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với thách thức từ lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị trường lớn. Bên cạnh đó, ngành này phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và Ấn Độ về giá thành.

Nguồn: H.Mĩ.

VASEP nhận định nhu cầu nhập khẩu dự kiến phục hồi từ quý II trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Doanh nghiệp cần tối ưu chi phí, tập trung phát triển giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm đặc thù quốc gia như tôm-rừng, tôm-lúa, chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường, chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.

Năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt khoảng 747.000 ha với sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021. Năm 2023, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu diện tích đạt 750.000 ha với sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 4,3 tỷ USD.

Ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp.

"Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn nhiều so với Ecuador và Ấn Độ. Để đạt được mục tiêu đặt ra, ngành tôm rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành và sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm", VASEP nhận định.

Lâm Anh