Lợi nhuận Thuỷ sản Nam Việt giảm 56% trong quý I
Theo BCTC hợp nhất quý I của CTCP Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt – Mã: ANV), doanh thu đạt 1.155 tỷ đồng giảm 5% so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán giảm.
Giá vốn tăng 11% lên 952 tỷ đồng trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng. Do đó, biên lãi gộp giảm từ 29% xuống 18%.
Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm còn các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Thuỷ sản Nam Việt giảm 56% xuống 92 tỷ đồng.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng. Với 108 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty cùng hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của Thuỷ sản Nam Việt đạt 5.713 tỷ đồng, tăng 245 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có 316 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Hàng tồn kho là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất (46%) trong cơ cấu tài sản, khoảng 2.666 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.
Cuối quý I, tổng nợ vay của công ty khoảng 2.056 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, chiếm 36% tổng nguồn vốn. Ba tháng đầu năm, Thuỷ sản Nam Việt phải trả hơn 36 tỷ đồng tiền lãi.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 3.034 tỷ đồng bao gồm 1.705 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3.
Không chỉ Thuỷ sản Nam Việt, mới đây, "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 2.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 226 tỷ đồng lần lượt giảm 31%, 59% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra gặp khó trong quý I
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), quý I, xuất khẩu cá tra đã giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 447 triệu USD. Cá tra cũng chính là mặt hàng chủ lực của Thuỷ sản Nam Việt, Vĩnh Hoàn.
Theo VASEP, nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới thời gian qua làm cho khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các nhà nhập khẩu trở nên eo hẹp và họ không đủ khả đủ tiền để nhập những đơn hàng lớn.
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại diễn ra vào cuối tháng 3, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, từng nhận định tình hình khó khăn của xuất khẩu thuỷ sản có thể kéo dài ít nhất đền mùa hè năm nay.
Trong đó, cá tra của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh lớn đến từ các sản cá tuyết và cá minh thái khi giá các sản phẩm này đã giảm sâu xuống mức thấp nhất lịch sử. Đặc biệt, điều này đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng, tín hiệu tích cực của ngành cá tra đã dần xuất hiện khi nguồn cung được dự báo sẽ thiếu hụt trong quý III và IV nay và lượng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu đang cạn dần.