|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thủy sản Nam Việt lãi 1 tỷ đồng quý III

07:40 | 25/10/2023
Chia sẻ
Nam Việt giải trình các chi phí tài chính, chi phí hoạt động đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát kéo dài khiến giá bán chưa được phục hồi, dẫn đến kết quả lãi sau thuế quý III chỉ còn 1 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cho thấy doanh thu thuần giảm 11% so với cùng kỳ về 1.099 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn tăng 7%, khiến lãi gộp còn 85 tỷ. Biên lãi gộp từ 23,2% quý III/2022 giảm về 7,7% quý này.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Nam Việt giải trình, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát kéo dài khiến giá bán chưa được phục hồi, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm sút. Kết quả, công ty lãi sau thuế 1 tỷ đồng, giảm hơn 99% so với con số 120 tỷ cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 3.328 tỷ, lãi sau thuế 42 tỷ, giảm lần lượt 11% và 93% so với cùng kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Nam Việt từng cam kết duy trì được mức lợi nhuận của công ty trên 1.000 tỷ đồng trong nhiều năm sau. Tuy nhiên ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra tháng 6 đã thông qua việc giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 từ 500 tỷ về 300 tỷ đồng.

Như vậy, công ty mới thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 21% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Những vấn đề của nền kinh tế như lạm phát, tổng cầu suy giảm, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột chính trị,... đã khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam rơi vào cảnh khốn khó. Nhà đầu tư cũng từng kỳ vọng về sau sự mở cửa của Trung Quốc, tuy nhiên thực tế đà giảm của xuất khẩu thuỷ sản vẫn chưa thể dứt.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn giảm 23%, đạt 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2022: Trung Quốc và Hồng Kông giảm 26%; Mỹ giảm 54%; Mexico giảm 41%,...

Tuy nhiên theo VASEP, điểm tích cực là xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính trong tháng 9 đã có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài sụt giảm.

VASEP cho rằng cá tra Việt Nam còn nhiều dư địa trên thị trường Mỹ khi có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành hàng này. Tại hội thảo quốc tế ngành cá tra 2023, ông Arno Willemink, Giám đốc Vận hành De Heus Việt Nam cho biết cá tra có mức giá hợp lý đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên, đây là xu hướng chung tác động đến tiềm năng tiêu thụ ngành cá tra thời gian tới,...

Tại cuối tháng 9, tổng tài sản của Nam Việt giảm 2% về 5.360 tỷ đồng sau một quý. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với hơn 2.448 tỷ đồng, giảm 7% so với ngày 30/6 và đã trích lập hơn 11 tỷ. Một phần hàng tồn kho có trị giá gần 360 tỷ đồng đang được công ty thế chấp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng Vietcombank, BIDV và MBBank.

Các khoản phải thu ngắn hạn trên 412 tỷ đồng tại cuối quý III, tăng 23% sau ba tháng. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng hơn 216 tỷ. Trong đó, khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 185 tỷ đã được thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay của tập đoàn tại ngân hàng.

Dư nợ tài chính ghi nhận 1.965 tỷ cuối quý III, bao gồm khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng 1.621 tỷ và hơn 80 tỷ đồng từ Chủ tịch Doãn Tới.

Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu đạt 2.984 tỷ, trong đó vốn góp là 1.335 tỷ và 1.655 tỷ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Minh Hằng