Nhìn lại một năm Việt Nam trở thành ngôi sao sáng nhất trong nền kinh tế số Đông Nam Á
Đâu chỉ riêng bóng đá, Việt Nam và Indonesia cũng được coi là những quốc gia đi tiên phong cho nền kinh tế internet của Đông Nam Á.
Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company phát hành, nền kinh tế internet của hai quốc gia này đã tách mình khỏi phần còn lại của khu vực khi tăng trưởng với tỷ lệ lần lượt là 38% và 49%, vượt qua mức trung bình của khu vực 33%.
Công nghệ cũng đã tạo ra nhiều lợi ích cho hàng triệu người ở cả hai quốc gia. Năm 2019, các nhà đầu tư coi Việt Nam là thị trường tăng trưởng kế tiếp dành cho các khoản đầu tư công nghệ trong khu vực, gánh vác lại trách nhiệm từ Indonesia.
Khi 2019 dần khép lại, KrAsia ghi nhận lại những bước tiến quan trọng nhất trong bối cảnh công nghệ Việt Nam 12 tháng qua.
Những khoản đầu tư lớn
Hầu hết 3.000 startup của Việt Nam vẫn còn đang non trẻ. Tin tức về tài trợ đôi khi rất ít, nhưng nếu có công ty quyết định rót vốn vào startup Việt Nam, khoản đầu tư đó có thể khá lớn. Các công ty công nghệ Việt Nam là những "người" nhận trong một vài giao dịch khủng tại Đông Nam Á.
Công ty Fintech Momo đã khởi đầu năm mới với khoản hút vốn 100 triệu USD từ Warburg Pincus. Vào thời điểm đó, đây là một trong những vòng cấp vốn lớn nhất đối với một công ty khởi nghiệp của Việt Nam.
Sau đó vào tháng 7, một kỉ lục khác lại được thiết lập khi quĩ quản lí tài sản GIC của Singapore và SoftBank cùng nhau rót 300 triệu USD vào nhà cung cấp giải pháp thanh toán VNPAY của Việt Nam.
SoftBank Ventures Asia cũng là một trong những nhà đầu tư đáng chú ý của Sendo – một trong những nền tảng thương mại điện tử C2C và B2C hàng đầu tại Việt Nam – trong vòng gọi vốn Series C trị giá 61 triệu USD.
Sendo tỏ ra khác biệt bằng cách tập trung vào các thành phố cấp 2 của Việt Nam, vốn chưa được khai thác quá nhiều và là nơi sinh sống của khoảng 70 triệu người.
Tháng 10/2019, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Scommerce của Việt Nam đã khép lại vòng gọi vốn lớn nhất được cho là trị giá hơn 100 triệu USD, dẫn đầu là công ty đầu tư Temasek của Singapore.
Nói chung, các khoản đầu tư lớn được chuyển vào Việt Nam chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh và hoạt động dựa trên cơ sở người tiêu dùng ngày càng mở rộng và khả năng chi tiêu tại việt Nam.
Tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam dự kiến lên tới 800 triệu USD vào cuối năm 2019, theo dự báo của Cento Ventures và ESP Capital có trụ sở tại Singapore.
Nhưng KrAsia tin rằng con số này có thể đạt mức 1 tỉ USD, vì nhiều giao dịch trong nước chưa được tiết lộ hoặc không được tiết lộ.
Tình cờ hưởng lợi từ thương chiến?
Samsung đã không còn sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc vào tháng 10/2019, đồng thời chuyển hoạt động sang Việt Nam và Ấn Độ, các cơ sở sản xuất quan trọng khác của Samsung.
Trước Samsung, nhiều đại gia công nghệ khác cũng đã chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất tiếp theo của họ để né tránh thuế quan, có thể kể đến như Google (điện thoại thông minh Pixel), Apple (AirPods) và Nintendo (Switch). Facebook cũng cho biết họ sẽ sản xuất tai nghe Oculus VR tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư đặt trọn niềm tin vào tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức rất lớn khi cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất của đất nước vẫn chưa ngang tầm với Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với KrASIA, Nick Nash, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Asia Partners, đã lưu ý rằng xét về mặt kinh tế thuần túy, không ai thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại vì xuất hiện đầy sự hỗn loạn và bất ổn.
Vẫn còn phải chờ xem Việt Nam sẽ điều hướng các điều kiện đó và nắm bắt các cơ hội mới trong sản xuất công nghệ cao ra sao.
Grab và phần còn lại
Uber rời khỏi Đông Nam Á vào tháng 4/2018 và từ đó mang lại cho Grab cơ hội vượt lên trên đối thủ cạnh tranh trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.
Công bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong tháng 8/2019, Grab hiện đã có mặt tại 43 tỉnh, thành phố Việt Nam, với mạng lưới khoảng 190.000 tài xế ô tô và xe máy. Grab cũng đã mở rộng mạnh mẽ theo chiều dọc ở Việt Nam.
Grab hiện có khoảng 73% thị phần về số lượng cuốc xe tại Việt Nam, theo nghiên cứu của ABI. Đối thủ đáng chú ý nhất của Grab là Gojek (hoạt động với tại Việt Nam với thương hiệu Go-Viet) đã rơi vào tình thế khó khăn trong năm nay, đặc biệt là về tình trạng hỗn loạn trong đội ngũ quản lý.
Tại Việt Nam, Gojek chưa thể triển khai GoPay (thanh toán không dùng tiền mặt) và GoCar (dịch vụ thuê xe) trên các mặt trận thiết yếu trong cuộc cạnh tranh với Grab.
Các đối thủ cạnh tranh gọi xe khác, chẳng hạn như FastGo và be, có mặt trên thị trường để cung cấp cho người tiêu dùng các tùy chọn bổ sung, nhưng Grab dường như là người dẫn dắt và có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đang thiết lập giới hạn cho ngành này. Tuần tới, Chính phủ dự kiến sẽ kí một nghị định điều chỉnh các điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải, trong đó có thể đưa ra các yêu cầu bổ sung cho xe ô tô chuyên dùng cho dịch vụ đặt xe tại Việt Nam.
Còn cả một chặng đường dài hướng tới xã hội phi tiền mặt
Các công ty fintech Việt Nam nhận được khoản vốn tài trợ kỉ lục, vì các nhà đầu tư nước ngoài không muốn "lỡ tàu" khi ngành công nghiệp fintech của đất nước đang dần thành hình. Xét chung, lĩnh vực này được dự báo trị giá 7,8 tỉ USD vào năm 2020.
Theo báo cáo của UOB, PwC và Hiệp hội Fintech Singapore, các công ty fintech của Việt Nam đã được cam kết đầu tư tổng cộng 410 triệu USD trong khoảng từ tháng 1-9/2019, chỉ xếp sau Singapore về mức tài trợ.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào fintech xuất phát từ những cơ hội to lớn tại thị trường Việt Nam. Khoảng 70% giao dịch tại quốc gia này vẫn dựa trên tiền mặt, nhưng người tiêu dùng và những người như những người bán hàng rong bắt đầu nhận ra lợi ích của việc không dùng tiền mặt và không xài thẻ.
Việt Nam đang xem Trung Quốc như một ví dụ điển hình về việc chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên tiền mặt sang một xã hội phi tiền mặt trong vòng một thập kỉ.
Trước đây, Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ giao dịch dựa trên tiền mặt xuống còn 10%. Mặc dù khó có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2020, nhưng khoảng 150 tổ chức fintech tại Việt Nam đang đốt cháy tài nguyên để thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giới hạn sở hữu nước ngoài 49% đối với các công ty fintech dự kiến sẽ được áp dụng vào năm 2020 và điều này có thể cản trở dòng vốn vào những công ty fintech có qui mô nhỏ, nhưng mang lại cho các "người chơi" quy mô lớn hơn, như Momo, Moca và VNPAY, lợi thế rõ ràng hơn trên thị trường.
Cuộc đua 5G
Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm 5G trong năm 2019 và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang gấp rút hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài về 5G để đẩy nhanh quá trình.
Chính phủ muốn có mạng 5G sẵn sàng cho sử dụng công khai sớm nhất là vào năm 2021, mặc dù người tiêu dùng vẫn không chắc chắn làm thế nào 5G có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho họ.
Việt Nam cũng do dự đối với việc sử dụng các thiết bị được sản xuất bởi "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc. Viettel, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam, đang dẫn đầu trong việc phát triển thiết bị sản xuất trong nước. Công ty này được cho là đang tự sản xuất chip 5G.
Trong khi đó, các nhà cung cấp nước ngoài đang thực hiện đấu thầu để cung ứng phần cứng 5G cho Việt Nam. Huawei vẫn chưa từ bỏ thị trường Việt Nam, cụ thể họ đã hợp tác với một trong những nhà mạng nhỏ hơn của Việt Nam.
Qualcomm của Mỹ đã tham gia một loạt các cuộc họp với các quan chức Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng này, hứa hẹn sẽ hỗ trợ đầy đủ cho tham vọng 5G của Việt Nam. Họ lên kế hoạch mở một phòng thí nghiệm IoT tại Hà Nội vào tháng tới.
Năm 2020, chúng ta sẽ thấy tất cả các bên liên quan trình làng các công nghệ 5G và minh họa cách họ có thể mang lại lợi ích trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam.
Quản lý các ông lớn công nghệ
Việt Nam muốn tạo ra các quy định cứng rắn hơn cho các công ty công nghệ lớn. Nhưng cũng như các đối tác của họ ở nhiều quốc gia, nhiệm vụ này có vẻ rất khó đạt được.
Tất cả công ty công nghệ lớn hoạt động trong nước đều gặp vấn đề khi cố gắng chứa nội dung "độc hại", xử lí thuế xuyên biên giới và quản lý các vấn đề cấp phép với Chính phủ.
Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng vào tháng 6/2018, yêu cầu các công ty công nghệ toàn cầu như Google và Facebook thiết lập văn phòng địa phương và lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ trong nước.
Việt Nam cũng sửa đổi luật quản lí thuế vào giữa tháng 6/2019, yêu cầu các ngân hàng thương mại khấu trừ thuế của các thực thể ở nước ngoài trong các giao dịch xuyên biên giới kĩ thuật số.
Ngoài việc đi đầu về phần pháp lí, các quan chức đã kêu gọi cộng đồng công nghệ địa phương phát triển các phương án thay thế cho các nền tảng toàn cầu phổ biến như Google và Facebook. Một số mạng xã hội của Việt Nam đã ra mắt vào năm 2019.
Các cơ quan điều hành cần phải cẩn trọng khi kiểm soát các ông lớn công nghệ trong một thị trường mới nổi và duy trì đà tăng trưởng kinh tế kĩ thuật số hiện tại.