Thủ tướng đề xuất đổi tên Bộ TT&TT thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số
Tại Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhấn mạnh kinh tế số là "đôi cánh, đường bay tới đích thịnh vượng và hùng cường của Việt Nam".
Theo Thủ tướng, 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện. Trong đó, nhãn "Make in Vietnam" là một định hướng lớn, giúp Việt Nam dịch chuyển từ gia công sang làm chủ công nghệ.
Đặc biệt, Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong quá trình phát triển và hội nhập.
Do đó, việc xác định đúng vai trò của Bộ TT&TT trong chiến lược đón đầu nền kinh tế số trong tương lai, tên gọi mới của bộ này sẽ được đem ra thảo luận tại văn phòng Chính phủ trong nhiệm kì tới.
Tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có gợi ý một tên gọi mới cho Bộ TT&TT là "Bộ Truyền thông và Kinh tế số" nhằm nhấn mạnh nhiệm vụ dẫn dắt Việt Nam trong năm chuyển đổi số 2020 của bộ này.
Cũng trong phiên họp, Thủ tướng bày tỏ niềm vui mừng khi ngành viễn thông tăng trưởng gần 19% nhờ sự đóng góp của 50.000 công ty công nghệ, trong khi ngành công nghệ thông tin (CNTT) duy trì tăng trưởng 10%.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu viễn thông đạt gần 470.000 tỉ đồng. Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao, chiếm 48,7% tổng số thuê bao di động (tăng 16,1% so với cùng kì năm 2018).
Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quí IV/2019 là 29,08 MBps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps).
Bên cạnh khuyến khích triển khai thử nghiệm mạng 5G, có kế hoạch tắt sóng 2G, Thủ tướng còn chỉ đạo doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G riêng của Việt Nam như Vingroup và Viettel đã làm được.
Thủ tướng nêu rõ muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và Bộ TT&TT có trách nhiệm lớn lao trong chiến lược này.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng cho biết sự trỗi dậy của châu Á được thể hiện qua hình ảnh 4 con hổ và Việt Nam có cơ hội trở thành con hổ thứ 5.
"Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta", Thủ tướng nhận định.