|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Diện mạo ngân hàng số Việt Nam có sự đột phá rõ rệt trong ba năm trở lại đây

07:00 | 26/12/2019
Chia sẻ
Phát triển ứng dụng ngân hàng số với nhiều tiện ích đi kèm, đưa robot vào phục vụ khách hàng, mở các trung tâm ngân hàng số,... đang tạo ra một cuộc đua phát triển ngân hàng số tại các nhà băng Việt Nam.

Nhằm bắt kịp với xu hướng số hoá toàn cầu trước yêu cầu ngày càng cao về trải nghiệm của người dùng, các ngân hàng đang phải gồng mình chạy đua phát triển các ứng dụng di động, ngân hàng số. "Trở thành một ngân hàng số hàng đầu" đã trở thành mục tiêu chính của nhiều ngân hàng thương mại trong nước.

Diện mạo ngân hàng số tại các ngân hàng cũng thay đổi dần từng ngày và có nhiều bước đột phá lớn trong vài năm trở lại đây. TPBank có ngân hàng tự động LiveBank; Vietcombank triển khai Digital Lab, VPBank có ngân hàng số YOLO, LienVietPostBank phát triển Ví Việt, VietinBank áp dụng corebank mới,... 

Ngân hàng số (digital banking) ở đây được hiểu đơn giản là việc thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến, thông qua mạng internet.

Với các ứng dụng công nghệ mới thay vì phương thức truyền thống bằng cách ra ngân hàng để thực hiện hay bắt buộc phải tiếp xúc với nhân viên ngân hàng thì người dùng nay chỉ cần ở một chỗ và sử dụng các ứng dụng di động để thao tác từ những giao dịch đơn giản như chuyển tiền, thanh toán đến những dịch vụ phức tạp hơn như hỗ trợ tư vấn.

Diện mạo ngân hàng số các ngân hàng Việt đang có sự đột phá rõ rệt - Ảnh 2.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chính thức ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA. Đây là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ khách hàng.

NH số - Nam A Bank1

Nam A Bank đưa robot vào phục vụ khách hàng (Ảnh: Nam A Bank).

Robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi hỗ trợ khách hàng và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch theo nhu cầu.

Cũng ngay vào đầu tháng 12, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức ra mắt Trung tâm Ngân hàng số, hoạt động tại Tháp A Vincom, Hà nội. Trung tâm này được chuyên biệt hóa việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. 

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng rất kì vọng vào sự hoạt động của Trung tâm và cho rằng đây là bước đệm quan trọng giúp BIDV có thể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.

Trong cùng khoảng thời gian này, một "ông lớn" Nhà nước khác là VietinBank cũng ra mắt sản phẩm ứng dụng iPay Mobile phiên bản 5.0. Ngoài những tiện ích cơ bản như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé máy bay/tàu xe, thanh toán QR Pay,... ứng dụng được cập nhật thêm hơn 50 tiện ích đa dạng mới, giúp tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng.

Đồng thời, giới thiệu nền tảng công nghệ dựa trên giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) với tên gọi VietinBank iConnect.

NH số- Vietinbank

NH số - Vietinbank 2

VietinBank ra mắt phiên bản iPay Mobile mới (Ảnh: VietinBank).

Tại sự kiện VietAI Summit 2019 vào tháng 11, HDBank cũng giới thiệu Ngân hàng số (Digital Banking) với những tính năng hiện đại, đáp ứng các nhu cầu giao dịch tài chính.

Ứng dụng này có khả năng hỗ trợ các giao dịch như chuyển khoản, thanh toán các loại hóa đơn sinh hoạt hàng ngày (điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp). 

Ngân hàng số 24/7 được đảm bảo an toàn, bảo mật, tốc độ xử lý nhanh, rút ngắn thời gian nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại như trợ lý ảo (chatbot); Face ID, sinh trắc học dấu vân tay để đăng nhập Mobile Banking; bảo mật thông qua mã PIN trên ứng dụng; chuyển khoản sử dụng mã OTP trực tiếp trên ứng dụng...

Việc các ngân hàng ngày càng tập trung vào việc phát triển các ứng dụng di động và ngân hàng số cho thấy một xu hướng phát triển mới đang bùng nổ.

Ý tưởng về ngân hàng số không còn mới trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam. Năm 2016, ngân hàng số Timo ra đời đánh dấu một mốc quan trọng cho xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

Timo là sản phẩm ra đời từ sự kết hợp giữa Global Online Financial Solution Company và VPBank. Ứng dụng công nghệ số hiện đại giúp đơn giản hóa các qui trình, thủ tục truyền thống. Trong 6 tháng bắt đầu đi vào hoạt động đã có 25.000 khách hàng kích hoạt ứng dụng.

Đầu năm 2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã chính thức ra mắt mô hình giao dịch Ngân hàng tự động LiveBank. Đây là mô hình hiện đại cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch, đồng thời tương tác với thiết bị như đang giao dịch thực tế với nhân viên ngân hàng.

Sản phẩm ngân hàng tự động 24/7 này có thể thực hiện gần như đầy đủ các giao dịch như một chi nhánh truyền thống. 

Theo thống kê từ phía ngân hàng, sau 3 năm thực hiện, TPBank đã có 150 điểm LiveBank trên toàn quốc với khoảng 2 triệu lượt giao dịch thành công, tổng số tiền giao dịch đạt hàng nghìn tỉ đồng. 

livebank_van_tay_rut_tien_atm_qcha

TPBank triển khai LiveBank với khả năng thực hiện giao dịch như với nhân viên ngân hàng (Ảnh: TPBank)

Trong năm 2017, Vietcombank là một trong những "ông lớn" tiên phong làm mới ứng dụng của mình và đã tăng gấp đôi số người dùng lên 2,6 triệu vào cuối năm 2018, trở thành một trong những ứng dụng ngân hàng di động được sử dụng nhiều nhất trong nước.

Từ tháng 8/2018, Vietcombank đã triển khai một ứng dụng khác trên nền tảng của mình là VCBPAY với đăng nhập qua nhận dạng vân tay và khuôn mặt trên điện thoại. Ứng dụng cung cấp các tiện ích thanh toán cho khách hàng như đặt và thanh toán vé máy bay, vé xem phim hoặc khách sạn, gửi quà tặng cho bạn bè,…

Tại VPBank, ngân hàng số YOLO được cho ra mắt vào tháng 9/2018 và là ngân hàng số đầu tiên hoạt động trên đám mây dịch vụ web Amazon, cho phép phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng người dùng.

Từ khi ra mắt đến tháng 6/2019, YOLO đã tiếp cận hơn 500.000 người dùng đã đăng kí, mặc dù không rõ phần nào trong số đó là khách hàng mới.

yolobank

1767975722-w500-2602-1543825611

VPBank triển khai ngân hàng số Yolo (Ảnh: VPBank)

Nền tảng này cung cấp dịch vụ nạp tiền, thanh toán hóa đơn và chuyển tiền. Các tính năng khác bao gồm thanh toán tự động, thanh toán trong tương lai, thanh toán học phí quốc tế, thanh toán QR, chuyển khoản,…

Đặc biệt, YOLO cho phép người dùng mua các gói bảo hiểm trực tuyến mà không cần kiểm tra y tế đồng thời khách hàng mới của ngân hàng có thể đăng kí mở thẻ trả trước (thẻ ảo) chỉ bằng email và số điện thoại.

Ngoài các ngân hàng kể trên còn nhiều ngân hàng khác cũng đã bắt đầu có những bước đầu tiên vào cuộc đua số. Có thể kể đến như ABBank với sản phẩm thử nghiệm Wee@ABBANK, ứng dụng tài chính sử dụng giải pháp xác thực thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt (Facial Payment).

Diện mạo ngân hàng số các ngân hàng Việt đang có sự đột phá rõ rệt - Ảnh 9.

Trong một phân tích mới đây, The Asian Banker cho rằng trong giai đoạn từ 2019 – 2020, các ngân hàng sẽ tiếp tục theo đuổi và cho ra mắt các phiên bản mới về ngân hàng số và điều này sẽ kéo theo sự thay đổi về cấu trúc hoạt động của họ. 

Các ngân hàng sẽ cần có thêm những trung tâm ngân hàng số độc lập với các bộ phận liên quan đến việc hoạt động và vấn đề kĩ thuật.

The Asian Banker cũng cho biết một vài ngân hàng mà họ tiếp xúc thể hiện mong muốn nâng cấp các dự án như hệ thống cho vay khách hàng doanh nghiệp, cho vay bán lẻ, quản lí khách hàng và quản lí doanh nghiệp. Đây là những dự án đóng vai trò thiết yếu trong quá trình dịch vụ khách hàng, quản lí thông tin khách hàng và dữ liệu số.

Mặc dù chưa chính thức đưa ra qui trình mở tài khoản thông qua thiết bị di động, nhưng một số ngân hàng hàng đầu đã thử nghiệm và sẽ triển khai vào cuối năm 2019 - 2020. Các ngân hàng cũng đã sắp xếp hợp lí hơn các qui trình mở tài khoản thủ công tại các chi nhánh.

Trong khi hầu hết các ngân hàng hiện đang đầu tư vào chuyển đổi kĩ thuật số nhằm hướng tới giao diện với khách hàng, phần lớn hệ thống hỗ trợ thiếu sự linh hoạt để có thể cho phép các dịch vụ đạt được những kì vọng của khách hàng.

Đây cũng là thách thức lớn nhất của các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện trong tất cả các hoạt động. 

Diệp Bình