|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn lại khủng hoảng 2008 - 2009, nhóm ngành nào sẽ hồi phục sau đại dịch COVID-19?

15:46 | 23/04/2020
Chia sẻ
Theo BSC, thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngành cũng như các doanh nghiệp trong ngành, với cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp có uy tín và sức khỏe tài chính tốt có thể trụ vững qua “cơn bão” COVID-19.

Thống kê từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - Mã: BSI) về giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng 2008 - 2009 của thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, VN-Index diễn biến cùng với xu hướng phục hồi của thế giới với mức tăng 165% kéo dài gần 8 tháng (24/2/2009 - 22/10/2009).

Mức tăng điểm của VN-Index thậm chí còn mạnh hơn so với khu vực và quốc tế nhờ gói kích cầu tương ứng mức 10% GDP, trong đó đặc biệt gói hỗ trợ lãi suất vay đã kích hoạt lượng tiền lớn đưa vào lưu thông các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản trong ngắn hạn.

Trong giai đoạn hồi phục, sự phân hóa ngành diễn ra khá rõ, trong đó các ngành hưởng lợi từ chính sách kích cầu đã có mức tăng vượt trội so với thị trường, điển hình là ngành ô tô và phụ tùng, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản.

Một số nhóm ngành khác, dù mức độ hồi phục thấp hơn so với VN-Index nhưng vẫn đạt hiệu suất trên 100% như ngân hàng (156%) và hóa chất (114%). Ngoài ra, nhóm ngành có mức độ hồi phục thấp nhất trong danh sách cũng đạt 62,4%.

Nhìn lại khủng hoảng 2008 - 2009, nhóm ngành nào sẽ hồi phục sau đại dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Nguồn: Sơn Tùng mô phỏng theo dữ liệu từ BSC.

Xét thời điểm hiện tại, qui mô gói kích cầu của Việt Nam đang ở mức 4,8% GDP, thấp hơn so với giai đoạn 2008 - 2009. Dù vậy, BSC vẫn kì vọng chính sách này sẽ tạo động lực hồi phục cho thị trường, tương quan sức khỏe nền kinh tế hiện tại cũng vững chắc hơn so với giai đoạn trước, đặc biệt gói kích cầu và có thể tăng thêm dựa trên diễn biến dịch bệnh COVID-19.

BSC cũng tiến hành kiểm tra sức chịu đựng của các doanh nghiệp trong kịch bản tiêu cực nhất, doanh nghiệp không có doanh thu và dòng tiền mới được tạo ra nhưng vẫn chịu 50% các loại chi phí hoạt động, cùng với chi phí lãi vay và phải trả người bán trong năm 2020.

Thời gian tiếp tục trụ lại sau dịch của doanh nghiệp được đánh giá theo tỉ lệ tiền và tương đương tiền chia cho tổng của chi phí lãi vay, phải trả người bán ngắn hạn và 50% chi phí hoạt động.

Nhìn lại khủng hoảng 2008 - 2009, nhóm ngành nào sẽ hồi phục sau đại dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Kết quả cho thấy, một số ngành với vị thế tiền mặt lớn do đặc thù của ngành nghề như bất động sản khu công nghiệp (KCN), cao su (chuyển hướng sang mảng KCN) đều thể hiện khả năng tài chính an toàn do cấu trúc dòng tiền được nhận khoản tiền lớn trả trước từ khác hàng thuê KCN.

Các nhóm còn lại có sự phân hóa khá rõ rệt trải đều từ mức 1 tháng cho đến 2 năm. Trong đó, nhóm dầu khí, đường, cảng biển, bất động sản, tiêu dùng, hàng không có đủ khả năng chịu đựng thêm ít nhất khoảng 1 năm.

Ngược lại, nhóm xây dựng, dệt may, nhựa, thủy sản, xi măng do phụ thuộc vào dòng tiền đến từ các khoản phải thu và khả năng chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp đều cho thời gian chịu đựng thấp, khoảng dưới 4 tháng.

BSC cho biết, thống kê ở trên được xây dựng trong trường hợp xấu nhất nên thực tế diễn ra sẽ tích cực hơn. Hiện, Chính phủ đã đưa ra các gói tín dụng hoãn nợ, giảm lãi vay và cung cấp nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi tập trung chính vào các nhóm ngành sản xuất và xuất khẩu, kì vọng sẽ sớm đưa tình hình vĩ mô ổn định trở lại.

Theo BSC, thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngành cũng như các doanh nghiệp trong ngành, với cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp có uy tín và sức khỏe tài chính tốt có thể trụ vững qua “cơn bão” COVID-19.

Sơn Tùng

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.