|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cho vay margin hạ nhiệt khi dòng tiền nội đổ vào thị trường

08:38 | 23/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận thời điểm cuối tháng 3, giá trị cho vay kí quĩ (margin) tại hầu hết các công ty chứng khoán đều sụt giảm so với cuối năm 2019. Tổng giá trị cho vay margin tại 25 CTCK đã giảm 6.450 tỉ đồng.

Dòng tiền nội đổ vào khi thị trường quá bán

Quí đầu tiên của năm 2020 chứng kiến đà lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sức ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã có lúc đẩy VN-Index xuống mức thấp nhất 649,1 điểm, tương đương mức giảm 32,45%. Chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm ghi nhận thấp hơn 10 lần,

Đà bán tháo của thị trường khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh tượng hàng chục phiên giảm sàn như giai đoạn 2008 – 2009. Tâm lí bất ổn của nhà đầu tư xuất hiện, đơn cử chỉ với thông tin nhân viên nhiễm COVID-19 cũng khiến cổ phiếu MWG của Thế giới Di dộng giảm sàn ngay sau đó. Mã này tiếp tục có chuỗi giảm sàn với dự báo lĩnh vực bán lẻ chịu tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, kịch bản thị trường đã không lặp lại như nhiều nhà đầu tư lo ngại. Khi thị trường ở trạng thái quá bán, nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền "bắt đáy" cổ phiếu.

Theo thống kê từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng khoảng 3.994 tỉ đồng trong tháng 3, cao hơn so với con số 938 tỉ đồng ở tháng trước đó. Nhưng nhóm này đã rút ròng khoảng 3.082 tỉ đồng trong tháng đầu năm nay. Tổng hợp 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước mua ròng 1.850 tỉ đồng.

Cùng xu hướng mua ròng, các tư tổ chức trong nước cũng mua ròng tổng cộng 2.767 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Hoạt động mua ròng diễn ra tất cả các tháng trong quí I.

Như vậy, dòng tiền từ các cá nhân và tổ chức trong nước đã đóng vai trò nâng đỡ thị trường khi khối ngoại liên tục bán ròng.

Cho vay margin hạ nhiệt khi tiền mặt đổ vào thị trường - Ảnh 1.

Nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc sử dụng margin. Ảnh: Lợi Hoàng

Cho vay margin hạ nhiệt

Khi thị trường rơi vào trạng thái bán tháo, nhà đầu tư đưa tài khoản về trạng thái an toàn với việc giảm tỉ lệ cổ phiếu và hạn chế sử dụng tiền vay kí quĩ (margin) từ các công ty chứng khoán. Sự điều chỉnh trạng thái của tài khoản diễn ra ngay cả đối với các lãnh đạo công ty niêm yết.

Đỉnh điểm của thị trường, tài khoảng nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp đã bị các công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp như Chủ tịch Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) – ông Trịnh Văn Quyết, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG (Mã: LDG).

Với bối cảnh thị trường không mấy tích cực, giá trị cho vay kí quĩ của hầu hết các công ty chứng khoán đều sụt giảm trong quí đầu năm nay.

Theo quan sát tại 25 công ty chứng khoán đứng đầu thị trường, giá trị cho vay kí quĩ ghi nhận tại thời điểm 31/3 là 41.164 tỉ đồng, giảm 6.450 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2019. Theo tổng hợp, chỉ có 3/25 công ty chứng khoán có giá trị cho vay kí quĩ tăng trong quí I gồm Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Thiên Việt và Nhất Việt.

Cho vay margin hạ nhiệt khi tiền mặt đổ vào thị trường - Ảnh 2.

Cho vay kí quĩ của 20 công ty chứng khoán hàng đầu tính đến 31/3/2020. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Về giá trị cho vay cụ thể tại từng công ty, Chứng Khoán Mirae Asset (Việt Nam) tiếp tục là công ty có giá trị cho vay margin cao nhất thị trường với 6.836 tỉ đồng, giảm 170 tỉ đồng so với cuối năm 2019. Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và HSC (Mã: HCM) đứng vị trí thứ hai và thứ ba với giá trị cho vay kí quĩ lần lượt là 3.977 tỉ đồng và 3.523 tỉ đồng.

Ghi nhận tại Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI), giá trị cho vay margin cũng ghi nhận mức giảm nhẹ 174 tỉ đồng so với quí trước đó, ở mức 2.788 tỉ đồng.

Với việc tăng giá trị cho vay trong quí I, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đứng vị trí thứ 5 về tỉ lệ cho vay kí quĩ với 2.402 tỉ đồng. Theo sau đó là Chứng khoán KIS với giá trị 2.364 tỉ đồng.

Hai công ty chứng khoán nội là MBS và VNDirect cũng ghi nhận mức sụt giảm 303 tỉ đồng và 762 tỉ đồng về cho vay kí quĩ trong quí đầu năm nay.

Trong nửa cuối của bảng xếp hạng Top10 công ty có giá trị cho vay kí quĩ nhiều nhất thị trường, Chứng khoán VNDirect là công ty chứng khoán ghi nhận giá trị sụt giảm về cho vay margin mạnh nhất trong quí I.

Tại Chứng Khoán VPS, việc ghi nhận giá trị cho vay kí quĩ giảm 951 tỉ đồng trong quí I đã đẩy công ty chứng khoán này rời nhóm 10 công ty có giá trị cho vay margin lớn nhất thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổng tài sản của VPS giảm hơn 2.400 tỉ đồng trong quí đầu năm nay.

Ngoài ra, theo quan sát tại nhiều công ty chứng khoán, giá trị cho vay margin cũng giảm xuống dưới mức 1.000 tỉ đồng như Tân Việt, VCBS, BSC và Phú Hưng.

Trao đổi với trưởng phòng môi giới tại một công ty chứng khoán trong Top5, với biến động mạnh của thị trường, tâm lí thận trọng của nhà đầu tư là điều dễ hiểu, dẫn đến tỉ lệ cho vay margin sụt giảm tại hầu hết các công ty.

Ngay cả trong giai đoạn thị trường hồi phục kể từ đầu tháng 4, nhiều tài khoản vẫn giải ngân "rón rén", đặc biệt là các tài khoản có giá trị tài sản ròng (NAV) lớn. Khác với thời kì tăng giá (uptrend), thị trường có thể đảo chiều bất cứ thời điểm nào, mặc dù cổ phiếu tăng giá 30 – 40% nhưng cũng có thể giảm sàn ngay sau đó. Do đó, sự thận trọng với nhà đầu tư là cần thiết, vị trưởng phòng môi giới này nhận định.

Lợi Hoàng