|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiều tài xế GrabTaxi lo khi JustGrab ngừng hoạt động, nhưng họ cần nhớ từ ngày 1/4, khác biệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ biến mất

16:04 | 18/03/2020
Chia sẻ
Từ ngày 1/4, Nghị định 10 qui định các taxi công nghệ như GrabCar phải có biển hiệu phản quang hoặc "mào" như xe taxi truyền thống.

Grab Việt Nam thông báo công ty sẽ tạm dừng hoạt động dịch vụ JustGrab tại Hà Nội, Quảng Ninh và Đà Nẵng từ ngày 1/4, thời điểm nghị định 10 chính thức có hiệu lực. 

Nghị định 10 qui định các xe taxi công nghệ sẽ phải "gắn mào" hoặc cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

JustGrab là dịch vụ gọi xe ô tô gần nhất, bao gồm cả các xe GrabCar (đối tác trực tiếp của Grab) và GrabTaxi (các tài xế chạy hãng taxi khác liên kết với Grab). Về phía khách hàng, đây có thể coi là dịch vụ nhanh nhất thay vì lựa chọn GrabCar hoặc GrabTaxi.

"Với quyết định tạm dừng dịch vụ JustGrab, Grab sẽ tập trung nguồn lực vào việc cải tiến và hoàn thiện hơn nữa các dịch vụ cốt lõi hiện có, đồng thời nghiên cứu và triển khai thêm nhiều dịch vụ mới, hướng đến tạo ra một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh hơn cho mọi người dân Việt Nam", Grab tuyên bố.

Như vậy, từ ngày 1/4, khách hàng sẽ phải lựa chọn giữa GrabTaxi (gắn mào của hãng taxi liên kết, mức giá phải trả là giá trên đồng hồ của xe, trong khi giá trên ứng dụng chỉ mang tính chất ước lượng) hoặc GrabCar (giá cố định như trên ứng dụng, xe sẽ phải gắn mào, phù hiệu Grab theo qui định mới).

Grab ngừng triển khai JustGrab từ 1/4.

Grab ngừng triển khai JustGrab từ 1/4.

Mức phí mà khách hàng phải trả cho hai dịch vụ không chênh nhau quá xa trong chặng ngắn nội thành, phụ thuộc vào cách tính của từng hãng taxi liên kết với Grab. Theo anh Lâm, một tài xế GrabCar, sự khác biệt giữa hai dịch vụ đến từ mức chiết khấu.

"Nếu tài xế GrabTaxi bật JustGrab, mức chiết khấu hiện tại là 10% cho Grab và 5% cho công ty chủ quản. Ngoài ra tài xế còn phải thanh toán tiền đàm. Trong khi đó, mức chiết khấu đối với tài xế GrabCar là 25%, nhưng bù lại nếu chạy nhiều lại có cơ hội nhận thưởng", anh Lâm nhận xét.

Khôi, một tài xế của hãng VIC chạy GrabTaxi, hầu hết thu nhập của anh đến từ dịch vụ JustGrab. Do đó việc Grab bỏ dịch vụ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tài xế như anh.

"Nếu chỉ đợi các đơn từ dịch vụ GrabTaxi, tài xế sẽ nhận toàn cuốc nhỏ với mức giá từ 30.000 đồng trở xuống. Hơn nữa, họ toàn phải đón khách chặng xa. Trong khi đó JustGrab kết nối khách hàng với tài xế gần nhất, nên cơ hội có thêm thu nhập là cao hơn", anh Khôi nói.

Cũng theo anh Khôi, nhiều tài xế GrabTaxi khác vừa mới kí kết hợp đồng dài hạn với hãng taxi liên kết với Grab để nhận các cuốc xe JustGrab. Nếu không còn JustGrab, nhiều tài xế sẽ rơi vào tình huống khó xử khi không thể rút xe ra trước hạn hợp đồng.

Khoảng cách giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ biến mất từ ngày 1/4. Ảnh: VTV

Khoảng cách giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ biến mất từ ngày 1/4. Ảnh: VTV

Câu chuyện có thể rẽ sang một hướng khác, nếu như xét về việc Nghị định 10 có hiệu lực kể từ đầu tháng 4/2020.

Theo tinh thần của Nghị định 10, từ ngày 1/4, khoảng cách giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ không còn. Trước đó, nhiều khách hàng có nhu cầu thuê xe gia đình hoặc đi làm việc với đối tác thường ưu tiên lựa chọn GrabCar bởi loại xe này không cần đeo biển hiệu. Nghị định 10 khiến lợi thế ấy của GrabCar biến mất.

JustGrab không còn đồng nghĩa với việc việc lựa chọn dịch vụ nào (GrabTaxi hay GrabCar) sẽ phần lớn do khách hàng lựa chọn, và câu chuyện sẽ quay trở lại về qui luật cung cầu. Khách hàng ưu tiên sử dụng dịch vụ nào, tài xế cung cấp dịch vụ đó sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập khi mà nhu cầu đi lại vẫn rất lớn.

Tiểu Phượng