|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều người bị trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19, TP HCM ra văn bản khẩn

15:44 | 09/08/2021
Chia sẻ
Nhằm đảm bảo những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng được theo dõi và sắp xếp tiêm khi có đủ điều kiện, Sở Y tế TP HCM đã ra văn bản khẩn gửi đến các sơ cở y tế, bệnh viện trên địa bàn.

Theo đó, trong quá trình tổ chức tiêm chủng, Sở Y tế TP HCM ghi nhận nhiều trường hợp đến các điểm tiêm, qua khám sàng lọc phát hiện có lý do phải trì hoãn tiêm hoặc cần chuyển vào bệnh viện nhưng không được hướng dẫn, theo dõi và hẹn lịch tiêm tiếp theo.

Nhằm hỗ trợ cho người dân được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, đảm bảo những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng được theo dõi và sắp xếp tiêm chủng khi có đủ điều kiện, Sở Y tế đề nghị lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng chỉ đạo các đội tiêm, nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc thực hiện một số nội dung. Trong đó, xác định đúng nhóm phải trì hoãn tiêm chủng, giải thích rõ cho người đi tiêm về nguyên nhân trì hoãn tiêm.

Nhiều người bị trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19, TP HCM ra văn bản khẩn - Ảnh 1.

Người dân TP HCM được tiêm vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: Thanh niên).

Đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày như đang dùng thuốc, đang mắc bệnh cấp tính... đội tiêm hướng dẫn thời điểm có thể trở lại điểm tiêm để đánh giá. Nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn thì thực hiện tiêm vắc xin.

Đối với những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng, ngành y tế đã có quy định có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị như trước đây.

Do đó, các đơn vị tăng cường đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe của người đến tiêm, xử trí chuyên môn để tạo điều kiện cho người dân được tiêm ngay tại chỗ.

Đối với người có bất thường về mạch, huyết áp, tùy theo năng lực và phạm vi chuyên môn của bác sĩ khám sàng lọc, điều kiện thực tế của điểm tiêm, có thể xử trí theo phác đồ điều trị, nếu ổn định được các chỉ số trong giới hạn cho phép thì thực hiện tiêm vắc xin.

Đối với những trường hợp tiêm tại điểm ngoài bệnh viện, nếu đội tiêm đánh giá bắt buộc chuyển và theo dõi tại bệnh viện thì thực hiện chuyển tuyến đến bệnh viện phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Đồng thời, giải thích rõ cho người dân lý do chuyển tuyến tiêm chủng và thông tin về bệnh viện sẽ được chuyển. Cung cấp cho người dân một bản Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, lưu ý ghi rõ tên bệnh viện chuyển đến và lý do chuyển tiêm chủng để làm căn cứ cho người dân đến tiêm tại bệnh viện.

Công văn cũng nêu rõ, các bệnh viện tích cực tiếp nhận người được chuyển tuyến và thực hiện tiêm vắc xin. Nếu ghi nhận việc chuyển tuyến không hợp lý, bệnh viện vẫn thực hiện tiêm vắc xin cho người dân. Đồng thời, chủ động phản hồi với trung tâm y tế nơi có người được chuyển để rút kinh nghiệm với đội tiêm.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP HCM, trong ngày 8/8, thành phố đã tiêm vắc xin cho 187.587 người. Như vậy từ 22/7 đến hết 8/8, TP HCM đã tiêm được 2.295.773 người. Sáng nay, Bộ Y tế cũng đã bổ sung về TP HCM 600.000 liều vắc xin AstraZeneca.

Tính từ 18h30 ngày 8/8 đến 6h ngày 9/8, thành phố ghi nhận thêm 2.349 trường hợp nhiễm mới được Bộ Y tế công bố vào sáng 9/8. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 124.000 trường hợp nhiễm COVID-19.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.