Người chưa tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp đôi
Theo AFP, đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố vào hôm 6/8.
Nghiên cứu được thực hiện đối với 250 bệnh nhân tại bang Kentucky (Đông Nam nước Mỹ) nhiễm COVID-19 vào năm 2020 và cho kết quả dương tính trở lại từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2021.
Trước đó, một số chính trị gia Mỹ, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Rand Paul, từng nói rằng họ không có kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 vì cơ thể đã miễn dịch sau lần mắc COVID-19 trước đó.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh tình trạng tiêm chủng của các bệnh nhân đó với gần 500 người tương tự cũng bị nhiễm vi rút vào năm 2020 nhưng không bị tái nhiễm cho đến tháng 6 năm nay.
Kết quả cho thấy, những người không được tiêm vắc xin phòng COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao gấp 2,34 lần so với những người đã được tiêm phòng đầy đủ. Các loại vắc xin mà nhóm người tham gia sử dụng là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Cũng theo nghiên cứu này, thời gian miễn dịch của một bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa được xác định. Các biến chủng khác nhau cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khoảng thời gian miễn dịch.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã chỉ ra rằng mẫu máu của bệnh nhân nhiễm biến chủng vi rút gốc tại Vũ Hán có phản ứng kháng thể kém hơn với mẫu máu của bệnh nhân nhiễn biến chủng Beta, được phát hiện lần đầu tại Nam Phi.
Đáng lưu ý, nghiên cứu này được thực hiện trước khi biến thể siêu lây nhiễm Delta trở thành “chủng thống trị” tại Mỹ.
"Nếu bạn từng nhiễm COVID-19 trước kia, hãy đi tiêm", Giám đốc CDC Rochelle Walensky đưa ra lời khuyên. "Nghiên cứu này cho thấy bạn có nguy cơ tái nhiễm cao gấp đôi nếu bạn không được chủng ngừa. Tiêm vắc xin chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là khi biến thể Delta đang hoành hành".