|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vắc xin COVID-19 dạng viên uống và dạng hít không cần bảo quản lạnh, dễ sử dụng giúp mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch

15:33 | 07/08/2021
Chia sẻ
Cùng với những vấn đề khó khăn trong việc bảo quản, cơ sở và nhân lực y tế tại các quốc gia kém phát triển hay tâm lý e ngại kim tiêm của người dân tại các quốc giàu có, các nhà khoa học đã và đang tìm kiếm phương thức chủng ngừa COVID-19 mới mà không cần tới kim tiêm.

Điểm chung của tất cả những loại vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới hiện nay là cần phải được đưa vào cơ thể qua kim tiêm. Bên cạnh đó, chúng cần phải được bảo quản ở các điều kiện đặc biệt như nhiệt độ âm sâu hay quá trình vận chuyển khó khăn.

Trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, một số hãng dược trên thế giới đã và đang bắt đầu nghiên cứu những loại vắc xin thế hệ mới được lưu trữ dưới dạng viên dễ uống hay thậm chí là dưới dạng hít.

Những loại vắc xin mang tính đột phá này đều đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu thành công, vắc xin công nghệ mới có thể giúp đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, giữ vai trò then chốt trong việc chấm dứt đại dịch.

Vắc xin phòng COVID-19 dạng viên

"Để cho rõ thì đây chính là vắc xin (COVID-19) của chúng tôi trông như thế này", Tiến sĩ Sean Tucker, Giám đốc khoa học hãng công nghệ sinh học Vaxart (Mỹ) cầm trên tay một vỉ thuốc và nói với tờ The Strait Times trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 7.

Nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch COVID-19 với tốc độ chóng mặt, cả thế giới đang cố gắng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng COVID-19. Tuy nhiên, nhiều quốc gia phải đối mặt với nhiều trở ngại, không chỉ bởi nguồn cung vắc xin hạn chế mà còn vướng khó khăn khi không đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng, dây chuyền bảo quản lạnh hay nhân lực để tiêm vắc xin cho người dân.

Vắc xin phòng COVID-19 dạng viên uống và dạng hít giúp mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch - Ảnh 1.

Vắc xin ngừa COVID-19 dạng viên của hãng Vaxart. (Ảnh: Vaxart).

Công ty Vaxart có trụ sở tại San Francisco hy vọng vắc xin COVID-19 dạng viên uống có thể giải quyết những vấn đề trên. Loại vắc xin này có thể sử dụng trên toàn thế giới mà không vấp phải những hạn chế như vắc xin dạng tiêm.

"Bạn có thể gửi nó qua đường bưu điện, thiết bị không người lái. Lợi thế nằm ở chỗ người dùng không cần phải đào tạo hay cần tới nhân viên y tế để sử dụng vắc xin, cũng như không cần dây chuyền bảo quản lạnh", Tiến sĩ Tucker cho biết.

Trong khi đó, các loại vắc xin hiện tại thường phải được trữ lạnh để giữ độ hiệu quả. Vắc xin AstraZeneca cần phải được bảo quản trong nhiệt độ 2-8 độ C, trong khi vắc xin Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu tới -70 độ C.

Điều này đã đặt ra thách thức lớn đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, khi có tới 59% cơ sở chăm sóc y tế thiếu nguồn điện ổn định để vận hành các thiết bị lưu trữ lạnh, theo một nghiên cứu năm 2018.

Ngoài những khu vực tại châu Phi hay Ấn Độ, vấn đề bảo quản còn gây trở ngại đối với các vùng nông thôn của Mỹ hay những nơi hẻo lánh ở Australia.

Vắc xin COVID-19 dạng viên tiềm năng của Vaxart đã báo cáo kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2.

Ngoài Vaxart, Công ty dược phẩm Oramed của Isreal cũng đang theo đuổi việc sản xuất vắc xin COVID-19 dạng viên nang. Dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ bắt đầu trong tháng tới, ngay sau khi được Bộ Y tế nước này phê duyệt.

Mặc dù vắc xin dạng uống có rất nhiều lợi thế song có rất ít loại vắc xin được sản xuất dưới dạng viên uống thành công vì các nguyên liệu hoạt tính không tồn tại được trong suốt quá trình tiêu hóa dài trong đường ruột.

Song, Oramed tin rằng hãng sẽ vượt qua được các rào cản lỹ thuật trên bằng cách thiết kết một viên nang có thể tồn tại trong môi trường axit cao của ruột, Bangkok Post đưa tin.

Công ty Oramed cũng đã từng sáng chế công nghệ này cho một sản phẩm trước đó là một dạng insulin uống thử nghiệm thay vì tiêm insulin để bảo toàn tính mạng, do nhà hóa sinh học từng đạt giải Nobel, Avram Hershko phát triển.

Viên nang này có một lớp phủ ngoài có khả năng bảo vệ cao giúp nó chậm tiêu hóa trong đường ruột. Đồng thời, nó còn có thể sinh ra các phân tử chống vi rút, có tác dụng ngăn ezyme trong ruột phá vỡ insulin, và tăng khả năng hấp thu giúp insulin có thể dễ dàng đi vào máu.

Thuốc viên nang này đã được kê cho hàng trăm bệnh nhân tiểu đường trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối tại Mỹ, kết quả sẽ được công bố vào tháng 12/2022.

Vắc xin phòng COVID-19 dạng viên uống và dạng hít giúp mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch - Ảnh 2.

Viên nang có một lớp phủ ngoài có khả năng bảo vệ cao giúp nó chậm tiêu hóa trong đường ruột. (Ảnh minh họa: The Sun).

Oramed hiện đã khởi động một công ty mới trực thuộc là Oravax, sử dụng công nghệ viên nang từ sản phẩm insulin dạng uống để sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 dạng viên.

Để tạo phản ứng miễn dịch, các nhà khoa học của Oramed thiết kế những hạt nhân tạo tương tự virus corona. Những hạt này bắt chước ba cấu trúc chính của mầm bệnh: Protein gai, màng bọc virus, và protein màng.

Hầu hết các loại vắc xin được phê duyệt hiện tại như Pfizer hoặc AstraZeneca được thiết kế chỉ dựa vào protein gai nên hiệu quả bảo vệ sẽ giảm dần theo thời gian, do protein gai của vi rút SAR-CoV-2 đột biến.

Bằng cách nhắm tới nhiều bộ phận của vi rút, bao gồm các cấu trúc ít đột biến hơn, ứng viên vắc xin của Oramed có thể chống được biến chủng, ông Nadav Kidron,CEO Oramed, cho biết.

Công ty đã đề nghị tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở nhiều nước và hy vọng bắt đầu ở Israel đầu tiên trong vài tuần tới, hiện đang chờ Bộ Y tế nước này chấp thuận.

Chủng ngừa COVID-19 qua đường hít

Theo SCMP đưa tin, trong số hơn 100 loại vắc xin ngừa COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng và có báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 8 loại là vắc xin được sử dụng qua đường mũi.

Vắc xin phòng COVID-19 dạng viên uống và dạng hít giúp mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch - Ảnh 3.

Vắc xin dạng hít của CanSino đã được giới thiệu trong một chương trình trên sóng truyền hình Trung Quốc. (Ảnh: CCTV).

Một trong những ứng viên vắc xin triển vọng thuộc dạng này là phiên bản hít khí dung của vắc xin Ad5-nCoV thuộc hãng CanSino Bilogics (Trung Quốc). Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được công bố tuần trước, loại vắc xin dạng hít này kích hoạt các phản ứng miễn dịch và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Cụ thể, hai liều vắc xin COVID-19 dạng hít sẽ được sử dụng cách nhau 28 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một liều vắc xin dạng hít có thể tích chỉ bằng 1/5 liều vắc xin tiêm vào bắp tay, trong khi phản ứng miễn dịch được tạo ra là tương đương nhau.

Một vài người trong số 130 người Trung Quốc tham gia thử nghiệm đã sử dụng một liều vắc xin dạng tiêm và 28 ngày sau sử dụng một liều vắc xin dạng hít. Kết quả thử nghiệm cho thấy, những người này có lượng kháng thể trung hòa cao.

“Việc sử dụng vắc xin dạng hít Ad5-nCoV đơn giản, không gây đau đớn, dung nạp tốt và sản sinh miễn dịch tốt”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Infectious Diseases hôm 26/7.

Công ty CanSino không phải là đơn vị duy nhất đang nghiên cứu phát triển vắc xin dạng hít để ngăn ngừa đại dịch COVID-19. Một số hãng dược và nhóm nghiên cứu khác cũng đang theo đuổi vắc xin dạng khí như Đại học Oxford(Anh) hay Công ty Codagenix (Mỹ). Các loại vắc xin dạng xịt mũi khác cũng đang được thử nghiệm ở Australia và Ấn Độ.

Tuy nhiên, một loại vắc xin dạng xịt mũi từ Công ty Altimmune của Mỹ đã bị loại bỏ sau khi không tạo được phản ứng miễn dịch như mong đợi.

Phương Trang