Nhiều ngân hàng tập trung tín dụng tiêu dùng
Mặc dù tỷ trọng cho vay tiêu dùng mới chiếm có 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (NH), nhưng đã đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh của nhiều NHTM.Một góc nhìn mới với “vay chủ động”
Tín dụng chuyển hướng
Thu nhập lãi thuần của Vietcombank năm 2016 tăng trưởng 23,9% do tăng tài sản sinh lãi và cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) từ 2,54% lên 2,76%. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên cải thiện nhờ đóng góp của trái phiếu USD có lợi suất cao đã mua trong năm 2015, cùng với việc đẩy nhanh hoạt động cho vay trên vốn huy động (LDR) trong đó có yếu tố cho vay lợi suất cao.
Theo lãnh đạo Vietcombank, trong năm 2016, NH này đã chủ động tăng trưởng dư nợ khách hàng DN lớn ở mức thấp chỉ 8,6% và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khối DNNVV cùng với khách hàng thể nhân ở mức cao, theo đó đạt được mức tăng lần lượt là 39% và 38,8%.
Thời gian qua các NHTM đã lập những công ty trực thuộc để cho vay tiêu dùng |
Cũng nằm trong nhóm NH có cổ phần Nhà nước chi phối, VietinBank báo cáo tổng dư nợ năm 2016 đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015. Các yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng đến từ cho vay khách hàng cá nhân với mức tăng trưởng 35%, cho vay DNNVV với mức tăng trưởng 29% và cho vay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng 34%. Trong đó, dư nợ bán lẻ chiếm đến 27% tổng dư nợ cho vay của NH này.
Nhiều NHTMCP khác cũng có thu nhập lãi thuần với mức tăng ấn tượng nhờ đẩy mạnh cho vay cá nhân. Theo báo cáo của LienVietPostBank, thu nhập lãi thuần năm 2016 tăng 53% từ mức 2.619 tỷ đồng cuối năm 2015 lên mức 4.023 tỷ đồng cuối năm 2016.
Mức tăng trưởng này được giới phân tích đánh giá là nhờ cơ cấu bán lẻ tăng 1,6 lần so với cuối năm 2015, tỷ trọng bán lẻ tăng từ 29% trong năm 2015 lên mức 35% năm 2016. Trong mảng bán lẻ của LienVietPostBank, số lượng khách hàng vay tăng mới trong năm 2016 đạt 98.924 khách hàng, bằng số lượng khách hàng tín dụng bán lẻ cả giai đoạn 2008-2015.
Thông tin của ACB đến cuối năm 2016, tăng trưởng tín dụng đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 21%, trong đó tín dụng khách hàng cá nhân tăng 30%, đóng góp 53,81% tổng dư nợ cho vay. Đây là một trong những yếu tố chính giúp thu nhập lãi thuần của ACB năm 2016 cũng tăng trưởng đến 17,1%.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 của VPBank, tăng trưởng tín dụng của NH này đạt mức 17,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của ngành. Song lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NH này đạt đến 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần đạt 15.100 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng không quá cao nhưng thu nhập từ lãi tăng đáng kể được nhận định là do NH này tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân, DNNVV có lợi suất cao.
Mới đây, bộ phân Nghiên cứu bán lẻ của SSI đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH năm ngoái duy trì ở mức 2 con số có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Các khoản cho vay truyền thống từ chủ đầu tư đã chuyển sang cá nhân do Thông tư 36/2014 và 06/2016 làm tăng hệ số rủi ro của tín dụng bất động sản. Tài chính tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đồng thời hỗ trợ hệ số tỷ lệ thu nhập lãi cận biên trong năm 2016 của các NH ổn định, đạt 2,8% so với 2,7% trong năm 2015 do tăng tỷ trọng cho vay có lợi suất cao và giảm chi phí vốn trong bối cảnh lạm phát thấp và đồng VND ổn định.
Tiêu dùng nâng đỡ tín dụng?
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), trước đây động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là đầu tư nhưng do sự chuyển đổi của nền kinh tế, vài năm gần đây, động lực thúc đẩy tăng trưởng chính là tiêu dùng dân cư.
Năm 2015, tăng trưởng kinh tế cải thiện nhờ vào tăng tiêu dùng, năm 2016 tăng trưởng chậm lại cũng do tiêu dùng. Cấu trúc này cũng phù hợp của chuyển biến hiện nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế trung bình thấp. Trong các nền kinh tế trung bình thấp, tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng đến từ tầng lớp trung lưu trung bình thấp và trung lưu trung bình cao.
Hiện nay, tiêu dùng đóng góp 6,5% vào GDP của Việt Nam, đây là mức cao so với các nước khác trong khu vực và tiềm năng tăng trưởng của tiêu dùng vẫn còn rất lớn.
Theo ông Thành, nếu trước đây các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu tăng trưởng nhanh thì hiện tại nhóm ngành có biên lợi nhuận cao và hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại là ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ tiêu dùng trong nước hướng đến nhóm khách hàng tiêu dùng, lao động ở tầng lớp trung lưu. Trong bối cảnh đó, các NH chuyển dịch cơ cấu cho vay, trong tăng trưởng tín dụng, phần tăng mạnh nhất là tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu từ xuất phát điểm rất thấp nhưng cũng phù hợp với xu hướng hướng tới nền kinh tế tiêu dùng.
Tiếp tục xu hướng đó, năm nay, mảng bán lẻ vẫn là mục tiêu mà các NHTM bám sát. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, trong năm 2016, NH tiếp tục cơ cấu lại danh mục tín dụng, hạn chế cho vay các khoản tín dụng rủi ro và kém hiệu quả để tập trung phát triển bán lẻ. Mục tiêu doanh số bán lẻ năm 2017 sẽ tăng thêm khoảng 60% so với năm trước.
Trong tài liệu trình đại hội cổ đông công bố mới đây, ACB cũng đưa ra định hướng năm 2017 tập trung đẩy mạnh tín dụng cá nhân, DNNVV theo mục tiêu chiến lược của NH. Tương tự, trong chiến lược của nhiều NH khác được công bố gần đây cũng nhắm đến mục tiêu tăng trưởng bứt phá khối khách hàng cá nhân bên cạnh các nhóm khách hàng DNNVV, DN FDI, giảm bớt sự phụ thuộc vào khách hàng DN lớn và các lĩnh vực rủi ro.
Theo một chuyên gia tài chính, trong một môi trường lãi suất thấp, tín dụng cá nhân là kênh cho vay hấp dẫn đối với các NHTM do lợi suất cho vay cao. Tuy nhiên, rủi ro sẽ tăng dần nếu lạm phát tăng trở lại, lãi suất tăng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ tại nhóm khách hàng này, do đó, các NHTM cũng cần phải thận trọng.
Nhiều NHTM đang đặt mục tiêu đầu tư nhiều hơn vào mảng tín dụng cá nhân, khi tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2016 có tỷ lệ tăng 39% so với năm trước đó. |