Nhiều dự án ‘đóng băng’ có khiến nguồn cung nhà ở TP HCM 2019 thiếu hụt?
Tại Hội thảo Xu hướng và cơ hội đầu tư bất động sản (BĐS) 2019 do CafeLand tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đặt vấn đề: Hiện nay, khi đi trên nhiều khu phố có thể dễ dàng bắt gặp không ít dự án đang “đóng thùng”, không được thi công do nhiều nguyên nhân (thủ tục nhiêu khê, thành phố đang rà soát nguồn gốc đất của nhiều dự án…). Nếu tình trạng này kéo dài, liệu năm 2019 có xảy ra kịch bản là chỉ có 10 – 15 dự án “ra lò” và thị trường địa ốc TP HCM thiếu hụt nguồn cung nhà ở hay không?
Hội thảo Xu hướng và cơ hội đầu tư BĐS năm 2019 được tổ chức chiều ngày 11/12 tại TP HCM. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Trước câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại không hề lo lắng về các dự án đang “đắp chiếu”. Ông cho rằng các dự án này “đóng băng” rất đúng với cả quy định của pháp luật và thị trường.
“Chưa nói đến pháp luật, chỉ xét theo quy hoạch thì các dự án đó đang làm mất đi diện tích cây xanh, làm nén hạ tầng đô thị. Đi từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể thấy rất rõ điều này. Nhiều người lo ngại các dự án đóng băng có thể làm thị trường thiếu căn hộ, thiếu sản phẩm BĐS, nhưng theo tôi sẽ giúp thị trường hãm đà cung”, ông Hiển nêu quan điểm.
Vị chuyên gia này nhận định, số lượng nguồn cung căn hộ năm 2018 đã vượt trội. Trong khi thống kê 3 năm qua, tỷ lệ tiêu thụ căn hộ vẫn càng ngày càng giảm, tức hàng tồn kho tăng. Vì vậy, ông khẳng định thị trường BĐS năm 2019 không thiếu sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn, việc giảm cung sẽ giúp cân bằng cán cân cung – cầu hơn và điều này rất tốt cho thị trường.
“Bây giờ có người hỏi tôi có nên đầu tư vào BĐS không thì theo kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ khuyên người đó nên gửi tiền ngân hàng, 6 tháng sau các bạn có khả năng mua được những căn nhà nội thành mà mình thích với mức giá thấp hơn 10 – 15%. Còn căn hộ ở những vị trí tốt sẽ chỉ bằng giá và không tăng”, chuyên gia Đinh Thế Hiển đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thừa nhận, đúng là nguồn cung nhà ở tại TP HCM đang sụt giảm rõ ràng, các dự án nhà ở hiện nay rất khó khăn để được thông qua. Ông Châu dẫn số liệu cho thấy lượng văn bản trình lên thành phố để được chấp thuận chủ trương đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2017 và HoREA đã cảnh báo về việc này từ hồi tháng 5/2015 và đề xuất cách giải quyết một số “điểm nghẽn” của thị trường.
Hiện tại, thành phố đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hai phương án: khi rà soát nguồn gốc đất của 170 dự án, dự án nào xây dựng trên 100% đất ở (tức có sổ đỏ) thì Sở Xây dựng thụ lý; dự án đã giải phóng mặt bằng 100% nhưng có xen cài các loại đất khác (đất nông nghiệp, đất thương mại…) và phải chuyển mục đích sử dụng đất thì thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý. TP HCM đang triển khai thực hiện theo quy chế này, trong khi cách giải quyết này đã được các tỉnh áp dụng từ lâu.
“Một vấn đề khác còn vướng mắc là sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, muốn được triển khai thì phải có thêm một bước là Sở Xây dựng công nhận chủ đầu tư dự án. HoREA đề xuất gộp hai bước này làm một, tức là tại thời điểm quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án thì cũng cần đồng thời công nhận chủ đầu tư cho dự án”, Chủ tịch Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Xem thêm |