|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM tập trung phát triển 366.510 căn nhà đến năm 2025

07:43 | 10/12/2021
Chia sẻ
Để phát triển nhà ở cho người lao động, TP HCM có kế hoạch rà soát 23 dự án có quỹ đất để điều tiết xây dựng nhà ở xã hội; quỹ đất ở các quận huyện ngoại thành gần các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP HCM khóa X, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết theo kế hoạch chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, TP đặt mục tiêu phát triển 366.510 căn nhà, trong đó nhà ở xã hội chiếm 50% diện tích sàn.

Kế hoạch này phục vụ mục tiêu giải quyết chỗ ở cho hơn 243.000 công nhân. Trong đó, ó khoảng 27.301 căn nhà nhà ở xã hội (tương ứng 82.422 chỗ ở), nhà trọ do người dân tự xây là 40.000 căn nhà (tương ứng 160.000 chỗ ở).

Bên cạnh đó, TP HCM có kế hoạch rà soát 23 dự án có quỹ đất để điều tiết xây dựng nhà ở xã hội; quỹ đất ở các quận huyện ngoại thành gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển thêm 612.000 m2 sàn nhà ở phục vụ cho công nhân, người lao động.

Theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở tại TPHCM giai đoạn 2021-2030, TP HCM đang trình các đơn vị để thẩm định và trình HĐND TP thông qua giải quyết được chỗ ở cho 511.141 công nhân, người lao động.

Trong đó, nhà ở xã hội chiếm 57.332 căn, tương ứng 175.144 chỗ ở. Đối nhà trọ do người dân, doanh nghiệp xây được khoảng 84.000 căn, tương 336.000 chỗ ở.

Ông Quân cho biết thêm, Sở Xây dựng TP đã trình TP HCM phương án chi tiết. Nếu triển khai được ở huyện Bình Chánh thì tiếp tục nhân rộng ra ở TP Thủ Đức và một số ku vực khác. 

Chuyên gia Phan Công Chánh cho rằng việc giải bài toán nhà ở cho đại đa số người dân có nhu cầu ở thực cũng tạo ra áp lực cho chính quyền các TP lớn, trong đó có TP HCM. Bởi lẽ nhóm này là những người đang đóng góp trực tiếp sức lực, trí tuệ, cho địa phương. Rõ ràng nếu không giải quyết được bài toán này thì còn nói gì đến tăng trưởng.

Giai đoạn dịch kéo dài khoảng nửa năm qua khiến người lao động có thu nhập thấp, không ổn định chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực và tiền thuê nhà theo đó trở thành gánh nặng. Thực tế đã ghi nhận làn sóng người lao động đã rời khỏi TP HCM, nhất là khi TP nới lỏng giãn cách.

"Việc cho thuê giá rẻ không phải là hướng giải quyết vấn đề một cách triệt để, đồng thời cũng không thu hút được lực lượng lao động. Dù lực lượng lao động là công nhân hay người có trình độ cao cũng không quá khác biệt, vì khi khó khăn ai cũng có thể mất việc như nhau.

Giả sử, người đang thuê nhà và người đang mua nhà trả góp cùng mất việc, khả năng những người thuê nhà rời TP HCM sẽ cao hơn những người đang mua nhà trả góp bởi họ phải cố gắng làm việc để trả nợ, để có được ngôi nhà làm nơi an cư lạc nghiệp", TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định.

Ngọc Anh