|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chuyên gia chỉ ra yếu tố quyết định tính khả thi của kế hoạch phát triển một triệu nhà ở giá rẻ

15:38 | 08/12/2021
Chia sẻ
Trong giai đoạn dịch kéo dài khoảng nửa năm qua, người lao động chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực và thực tế đã ghi nhận làn sóng người lao động đã rời khỏi TP HCM, nhất là khi TP nới lỏng giãn cách bởi tiền thuê nhà của họ trở thành một gánh nặng...
Chuyên gia chỉ ra yếu tố quyết định tính khả thi của kế hoạch phát triển một triệu nhà ở giá rẻ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Ngọc Anh).

Chủ tịch UBND TP HCM vừa đưa ra kế hoạch phát triển một triệu nhà giá rẻ dành cho người lao động. Chương trình này được đánh giá thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong việc hỗ trợ những người có thu nhập thấp, người lao động có được nơi ăn cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, từ kế hoạch tới thực tiễn vẫn cần có nhiều sự tham gia đóng góp và nguồn lực chung của cả xã hội.

Trước hết ở vấn đề quỹ đất, bất kỳ dự án nhà ở nào cũng cần đạt được những yêu cầu cơ bản về nhà ở đô thị như cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viên, cơ sở chăm sóc y tế,…) và cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông,…). 

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, câu chuyện đặt ra cho TP HCM hiện nay là quỹ đất ở khu vực trung tâm như quận 1, 3 và 7 đã không còn. 

Do vậy, TP có thể cân nhắc hai phương án: Một là sử dụng quỹ đất đã dự trù sẵn từ trước tại những khu vực này để dành cho những dự án nhà ở giả rẻ. Hai là có thể lựa chọn những khu vực ngoài trung tâm như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi - nơi có những quỹ đất trống phù hợp. 

Tuy nhiên, ông Khương cho rằng, vấn đề về khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân. 

"Bài toán kinh tế đô thị này có thể thực hiện được nếu các sở, ban, ngành quyết tâm, định hướng cũng như chỉ đạo sát sao, ông Khương cho biết."

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Savills, vấn đề căn cơ của lực lượng lao động trong thời gian vừa qua là thu nhập thấp và không ổn định, tiền thuê nhà của họ trở thành một gánh nặng. 

"Nếu chúng ta chỉ nghĩ tới việc giảm giá thuê nhà 30%- 50% thì điều này làm cho người lao động không liên kết được sự cống hiến của họ cho thành phố này. Thay vì cho thuê giá rẻ thì sao chúng ta không nghĩ đến việc bán nhà cho họ với giá phù hợp nhất, cộng với ưu đãi về thanh toán, với chu kỳ chi trả lên đến 30-50 năm. 

Việc cho thuê giá rẻ không phải là hướng giải quyết vấn đề một cách triệt để, đồng thời cũng không thu hút được lực lượng lao động. Dù lực lượng lao động là công nhân hay người có trình độ cao cũng không quá khác biệt, vì khi khó khăn ai cũng có thể mất việc như nhau. 

Giả sử, người đang thuê nhà và người đang mua nhà trả góp cùng mất việc, khả năng những người thuê nhà rời TP HCM sẽ cao hơn những người đang mua nhà trả góp bởi họ phải cố gắng làm việc để trả nợ, để có được ngôi nhà làm nơi an cư lạc nghiệp. 

Theo chuyên gia Phan Công Chánh, việc giải bài toán nhà ở cho đại đa số người dân có nhu cầu ở thực cũng tạo ra áp lực cho chính quyền địa phương ở các TP lớn, trong đó có TP HCM. "Nhóm này là những người đang đóng góp trực tiếp sức lực, trí tuệ cho địa phương. Rõ ràng nếu không giải quyết được bài toán này thì còn nói gì đến tăng trưởng", ông Chánh nhận định.

Trong giai đoạn dịch kéo dài khoảng nửa năm qua, người lao động chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực và thực tế đã ghi nhận làn sóng người lao động đã rời khỏi TP HCM, nhất là khi TP nới lỏng giãn cách.

Các chuyên gia đánh giá, cùng với việc giá nhà tại TP HCM liên tục lập đỉnh mới, dịch COVID-19 càng như một cú huých khiến nhiều người có xu hướng tìm nơi an cư tại các khu đô thị vệ tinh thay vì bám trụ tại TP HCM như trước đây. 

Bên cạnh đó, nhu cầu chọn lựa căn nhà thứ hai xuất hiện nhiều. Người dân có xu hướng mua đất để phòng thủ hơn là sinh lợi để khi tình hình bất ổn, gia đình họ có thể di chuyển về nơi an toàn hơn thay vì chật vật ở thành phố.

TP HCM có mật độ dân số cao nhất nước với 4.292 người/km2, keo theo nhu cầu nhà ở của địa phương rất lớn và công nhân hiện nay chỉ có thể dành khoảng 15 - 20% thu nhập hàng tháng (tương đương 1,5 - 2 triệu đồng) cho tiền nhà ở.

Khoảng hai năm trở lại đây, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) liên tục lên tiếng về việc TP HCM thiếu nhà ở giá rẻ trầm trọng nhưng giỏ hàng nhà ở hạng sang liên tục được các chủ đầu tư đưa ra thị trường.

Hiện nay, TP HCM gần như không còn sản phẩm nhà ở và căn hộ bình dân (dưới 1.000-1.500 USD/m2). Phân khúc tầm trung (dưới 2.000 USD/m2) gần đây cũng không còn xuất hiện nhiều.

Hầu hết giỏ hàng trên thị trường đang thuộc phân khúc hạng sang. Có những khu vực trước đây chỉ phát triển sản phẩm tầm trung, bình dân thì nay các chủ đầu tư đã chuyển sang dòng BĐS cao cấp.

Theo ông Phan Công Chánh, với 2-3 tỷ đồng mà muốn tìm một căn nhà ở TP HCM hiện nay là quá vất vả.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, việc thiếu nhà ở đáp ứng cho người có nhu cầu ở thực trong thời gian dài sẽ gây nhiều hệ lụy. Trong đó, những chủ đầu tư có sản phẩm nhà ở, nhất là chủ đầu tư dự án lớn có lợi thế, có thể độc chiếm thị trường, đẩy giá nhà lên cao để tối đa hoá lợi nhuận, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19.

Ngoài ra, do thiếu nguồn cung nên các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền cung có cơ hội đẩy giá lên thành nhà trung - cao cấp, khiến giấc mơ tạo lập nhà của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị càng xa vời.

Nguyên Ngọc