Giá nhà không ngừng tăng, tiền tích lũy mua nhà của người dân mỗi năm một eo hẹp
Giá nhà ở hai thành phố lớn tiếp tục tăng 13-14%
Trước khi COVID-19 bùng phát, hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội ghi nhận lượng căn hộ chào bán và tỷ lệ hấp thụ ở mức tốt. Dữ liệu từ CBRE cho thấy, số lượng chào bán mỗi năm ít nhất 20.000-25.000 căn, thậm chí ở giai đoạn cao điểm 2016-2017 con số này lên đến 35.000 căn mỗi năm.
Kể từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng căn hộ chào bán chỉ khoảng 15.000 căn ở mỗi thành phố. Trong 9 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 23/9), lượng căn hộ mở bán ở hai thành phố tiếp tục giảm.
Trong đó, Hà Nội có khoảng 10.000 căn hộ được mở bán, giảm 19% so với cùng kỳ. Do tình hình dịch bùng phát mạnh ở phía Nam kể từ tháng 4 nên rổ hàng ở TP HCM giảm mạnh hơn với 36%, tương đương khoảng 7.500 căn hộ được mở bán.
Tỷ lệ tiêu thụ cũng giảm khoảng 15-19% ở mỗi thành phố. Mặc dù khả năng chi trả và thu nhập của người mua bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch nhưng giá bán trên thị trường sơ cấp vẫn tăng ở tất cả các phân khúc.
Trong đó, giá bán căn hộ trung bình ở TP HCM trong 9 tháng đầu năm khoảng 2.260 USD/m2 và ở Hà Nội khoảng 1.500 USD/m2, tăng 13-14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó ở năm 2020, giá cũng tăng khoảng 10%.
Tiền tích lũy mua nhà ngày càng eo hẹp
Từng chia sẻ với người viết, anh Trọng Hiếu, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết anh dự định mua một căn nhà giá 1,4 tỷ đồng tại thủ đô, trong đó anh có khoản tiền tích lũy 300 triệu đồng, còn lại phải vay mượn.
Anh cũng từng nghĩ đến vay vốn ngân hàng, tuy nhiên sau khi ước tính tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng vượt hơn 50% tổng thu nhập nên có lúc anh cảm thấy chùn bước và ước mơ mua nhà là một điều gì đó quá xa vời.
Tại tọa đàm BĐS "Khẩu vị người mua căn hộ thay đổi ra sao?" diễn ra vào ngày 30/9, anh Hùng Minh, một nhân viên văn phòng chia sẻ anh đã đi làm được 10 năm nhưng chỉ tích lũy được khoảng 500 triệu đồng.
Nhiều người khuyên anh nên vay thêm ngân hàng để đi mua căn hộ vì càng chờ giá căn hộ càng leo thang. Với số tiền tiết kiệm hiện có, muốn mua được nhà anh phải sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, khi nguồn cung nhà ở ngày càng hạn chế, nguồn cung căn hộ bình dân, vừa túi tiền càng hạn chế hơn. Trường hợp như anh Minh nếu đợi thêm một thời gian thì giá nhà cũng sẽ tăng lên tương ứng và số tiền đã tích lũy được lại càng trở nên eo hẹp hơn để mua một căn nhà.
"5 năm trước, với số tiền hơn 2 tỷ đồng có thể mua được một căn hộ hai phòng ngủ, còn bây giờ muốn mua được phải có số tiền gần gấp đôi", bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó Tổng Giám đốc DHA Corporation đưa ra ví dụ cho thấy giá nhà liên tục tăng vọt qua từng năm. Bà Thủy cũng cho rằng tốc độ gia tăng tài sản nhanh hơn tốc độ gia tăng tích lũy hay gia tăng thu nhập của cá nhân.
Khoảng 5 năm trước, với số tiền khoảng hơn 2 tỷ đồng có thể mua được một căn hộ hai phòng ngủ, còn bây giờ muốn mua được phải có số tiền gần gấp đôi.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó TGĐ DHA Corporation
Theo quan điểm của Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, có hai kịch bản cho người muốn mua nhà hiện nay. Ở kịch bản vay ngân hàng, khách hàng chỉ nên vay 30-50% giá trị căn hộ. Do đó, với tài chính khoảng 500 triệu đồng, khách hàng có thể mua căn hộ từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Đương nhiên, người mua phải chấp nhận căn hộ có diện tích nhỏ và nằm khá xa trung tâm.
Đối với kịch bản thứ hai, khách hàng có thể nhận sự hỗ trợ từ cả ngân hàng và chủ đầu tư, có thể trả góp không lãi suất 2-3 năm.
Ở góc độ chủ đầu tư, bà Thủy lưu ý dù chọn giải pháp nào thì khách hàng cũng cần quan tâm đến thu nhập của mình có đủ để chi trả cho những khoản góp hàng tháng hay khoản chi trong tương lai (bao gồm cả gốc lẫn lãi) cho căn hộ hay không.
Thực tế trong giai đoạn dịch thứ 4, nhiều người vay tiền mua nhà chịu nhiều áp lực bởi họ không đủ khả năng thanh toán nợ khi mất thu nhập nhiều tháng liền. Trong khi trước đó, tiền trả nợ mua nhà chiếm 30-50% tổng thu nhập hàng tháng của người dân.
Trao đổi với người viết, chị Tú Uyên, một tiếp viên hàng không chia sẻ: "Trước dịch, tôi vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp. Khoảng một năm nay tôi không còn gì hết và rơi vào nợ xấu, coi như sau này sẽ khó lòng vay lại được, tương lai tràn đầy mờ mịt".
Vào đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14 liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Một số công ty tài chính và ngân hàng thương mại đã áp dụng quy định tại thông tư trên cho từng nhóm khách hàng và mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước từ ngày 15/7 đến ngày 31/8, 16 ngân hàng thương mại đã giảm 8.865 tỷ đồng lãi vay cho khách hàng, tương đương trên 34% so với cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.