|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều doanh nghiệp muốn làm nhà ở giá rẻ

08:08 | 19/05/2023
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội, trong khi các doanh nghiệp quen mặt trong phân khúc này cho biết sẽ triển khai nhiều dự án hơn.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội. (Ảnh: Hà Nội Mới).

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, cả nước chỉ có một dự án nhà ở xã hội (NOXH) với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; có 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.  

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn trong giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, nguồn cung phân khúc này này vẫn chưa được đáp ứng được nhu cầu thực. Nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu và nguồn cung tương lai sẽ chỉ đáp ứng được 20-30% tổng nhu cầu, thị trường còn thiếu hơn 1 triệu căn.

Kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, phân khúc này sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn, từ đó giúp tăng nguồn cung.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra mới đây, đại diện CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) thông tin: “Chúng tôi khẳng định là có tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội. Tại các diễn đàn, Chủ tịch của chúng tôi đã khẳng định Nam Long cam kết xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội trong những vùng dự án Nam Long đang làm (Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An).

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những block nhà ở xã hội mà chúng tôi còn cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị tích hợp dành riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền”.

Vừa qua, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn làm nhà ở xã hội, lợi nhuận chỉ có 10% vẫn còn hơn làm đầu tư công.

Lãnh đạo Vinaconex cho biết đang xin chủ trương nghiên cứu và tài trợ công tác lập quy hoạch một số khu đất tại Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà phân khúc trung bình. 

Ông Lê Thống Nhất, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cho biết, HĐQT và ban điều hành công ty cũng đang suy nghĩ kế hoạch tham gia vào nhà ở xã hội dựa trên quỹ đất mà công ty đang có tại huyện Nhà Bè hay quận 12. Tuy nhiên, để thực hiện phân khúc này, chắc chắn trong năm nay phía công ty vẫn chưa thể thực hiện được mà phải đợi sang năm 2025.

Còn theo thông tin từ ông Tại Hoài Hạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP BV Land (UPCoM: BVL), việc phát triển các sản phẩm giá rẻ (nhà ở xã hội) cũng là mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2023. Năm nay công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.

“Thời gian qua bất động sản nổi sóng khắp nơi là do những người đầu cơ mua đi bán lại là chính. Tuy nhiên, BV Land sẽ hướng đến những khách hàng mua để ở thực chứ không phải lướt sóng. Công ty đang có kể hoạch triển khai một dự án nhà ở xã hội và hy vọng dự án có thể khởi công trong năm 2023 – 2024 với tổng diện tích sàn khoảng 150.000 m2”, vị này tiết lộ.

Kế hoạch của các ông lớn

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch CTCP Vinhomes (Mã: VHM) cho biết, sản phẩm nhà ở xã hội Happy Home sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Sau khi động thổ hai dự án đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị trong năm 2022, công ty sẽ tiếp tục mở bán hai dự án này và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành phố ở cả ba miền như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa.

Kế hoạch trong quý IV năm nay, Vinhomes sẽ tiến hành mở bán ở Thanh Hóa và Quảng Trị. Tại Hà Nội, doanh nghiệp cho biết cũng đang xin tham gia để triển khai dự án nhưng còn phụ thuộc vào thủ tục của cơ quan nhà nước. Khi xong mới tiến hành triển khai.

Một doanh nghiệp quen mặt trong phân khúc nhà ở giá rẻ phải kể đến Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC). Mới đây, doanh nghiệp này cho biết sẽ từng bước triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030 đã được Bộ Xây dựng giao.

Theo đó, các dự án trọng điểm đang triển khai gồm: Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; nhà ở xã hội tại Kim Chung; khu nhà ở xã hội 9,8 ha Yên Phong - Bắc Ninh.

Năm nay, doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4 ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP Hà Nội).

Đồng thời tiếp tục khảo sát, tìm kiếm phát triển quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương có điều kiện phù hợp.

Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công ty đã đầu tư NOXH, nhà ở công nhân từ chục năm nay. Trong đó, nhà ở công nhân là tiện ích đi kèm tại mỗi KCN và đây là lợi thế của Viglacera so với các đối thủ. Còn với nhà ở công nhân, công ty làm theo nhu cầu thị trường vì người mua rất nhiều.

“Hiện nay chúng tôi đang hy vọng vào thị trường Hà Nội, công ty có tham gia dự án Tiên Dương (Đông Anh) khoảng 40 ha, đến nay quy hoạch 1/500 của dự án đã được duyệt và công ty đang chờ các thủ tục để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Viglacera đang rất sẵn sàng làm nhưng đang phải chờ để tham gia đấu thầu”, vị này nói.

Còn theo đánh giá của ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), hiện nay, chính sách cho NOXH mạnh và dài hơi hơn so với năm 2013. Bở 4 ngân hàng lớn có gói tín dụng 120.000 tỷ, lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8%/năm với khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đồng hành với lãi suất 4,8%/năm.

“Với gói 120.000 tỷ đồng thì công ty và các đơn vị liên kết có thể được hưởng được dòng tiền lớn vì đa số các dự án đã có giấy phép, đang xây dựng. Trong năm nay, hầu hết các dự án và khách hàng của công ty đều có thể vay vốn với các gói trên. Qua làm việc với ngân hàng thì các dự án công ty đã hoàn thành cũng có thể được vay các gói này”, ông Tuấn cho hay.

Liên quan đến kế hoạch mua lại dự án Golden City (Tây Ninh), ông Tuấn cho biết, đầu tư vào dự án này nhằm để Hoàng Quân giữ được vị trí dần đầu về làm NƠXH. Cái khó của lĩnh vực này là lợi nhuận thấp, khoảng 10%, tuy nhiên nếu có những chỉnh sửa của Luật kinh Doanh bất động sản theo hướng như hiện nay thì nhiều khả năng lợi nhuận có thể lên mức 15%.

Theo quy định hiện nay, 20% dành để cho thuê trong dự án NOXH sau 5 năm mới được bán và 20% căn thương mại khi bán ra phải cộng với 80% kia để tổng lợi nhuận được 10%. Đây là điểm ách tắc khi làm NƠXH nhưng dự luật mới bỏ phần 20% cho thuê vì nếu để cho thuê thì dòng tiền nằm ở đây rất lớn.

Thêm vào đó, phần thương mại để cho chủ đầu tư được quyền bán, cho thuê mà không nằm trong phần bù của dự án. Nên trên thực tế lợi nhuận có thể cao hơn 15%.

Hà Lê